Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Vấn nạn tảo hôn vẫn "đeo bám" ở Mèo Vạc

Minh Quang - 17:17, 15/08/2021

Tình trạng tảo hôn ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) những năm trở lại đây mặc dù đã giảm nhưng không đáng kể. Tảo hôn hiện vẫn đang là vấn nạn kiềm hãm sự phát triển ở địa phương vùng cao này.

Em Sùng Mý Cho bên con gái 3 tháng tuổi của mình (Ảnh chụp hồi tháng 3/2021)
Em Sùng Mý Cho và con gái 3 tháng tuổi của mình (Ảnh chụp hồi tháng 3/2021)

Các biện pháp ngăn chặn tỏ ra kém hiệu quả

Trong căn nhà nhỏ thiếu thốn đủ thứ ở dưới chân một thung lũng sâu, thuộc xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), em Sùng Mý Cho - 17 tuổi, dân tộc Mông đang ngồi ôm con gái nhỏ mới vài tháng tuổi vào lòng. Giống như nhiều trường hợp khác, Cho lấy chồng từ khi còn là học sinh.

“Khi học lớp 7, em và chồng đã yêu nhau, được một năm thì chồng em bảo về lấy nhau. Mặc dù em chưa muốn, nhưng vì có bầu nên em đành phải chịu, lúc cưới em đang học dở lớp 8”, Cho nói.

Người mẹ trẻ cho biết, chồng mình vừa đi xuống dưới xuôi để  làm công ty được vài hôm nay, hiện chỉ có hai mẹ con ở nhà chăm nhau. Đến giờ Cho cũng không nhớ chồng hơn mình 2 hay 3 tuổi nữa.

Theo chị Hoàng Thị Xuân, cán bộ Tư pháp xã, những năm trước, tình trạng tảo hôn của xã không hiếm gặp, năm nhiều nhất có 10 trường hợp. Từ năm 2020 đến nay, tình trạng tảo hôn đã giảm xuống còn 4 trường hợp. Trong suốt quá trình làm công tác tuyên truyền, vận động, chị Xuân đã gặp phải những câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Chị Xuân kể lại một câu chuyện, đó là trường hợp công dân của xã chị lấy vợ ở xã bên, vì cô gái vẫn đang là học sinh, chưa đủ tuổi kết hôn nên chị đã phối hợp với nhà trường, đến gia đình để vận động. Tới nơi, nữ sinh này nhảy xuống một bể nước, nhất quyết không lên, mặc cho chị ở trên cố gắng thuyết phục. 

"Cuối cùng, chúng tôi buộc phải nhờ đến mấy chú công an xã khiêng nữ sinh này lên. Lúc về nhà, bố mẹ nữ sinh tỏ ý không đồng tình, bắt đền cán bộ vì sợ con mình sau này không lấy được chồng. Hiện, nữ sinh này đã lấy chồng ở thôn Há Súng”.

Theo chị Xuân, thường những trường hợp khi bắt vợ về chưa được nhà trai tổ chức cúng lễ, thì chính quyền địa phương sẽ dễ vận động, thuyết phục hơn. Nhưng nếu sau 3 ngày, gia đình nhà trai đã tổ chức cúng lễ cho cô gái làm “ma” nhà mình thì sẽ khó thuyết phục. Đặc biệt là, khi cô gái đã có bầu thì càng khó. Thậm chí, có trường hợp đã thuyết phục, đồng thuận xong, nhưng sau đó cô gái lại trốn về nhà bạn trai để chung sống, nhiều cặp còn lẩn trốn sang Trung Quốc để tránh chính quyền địa phương.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, Thượng tá Cao Văn Toản, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết: Năm 2020 trên địa bàn huyện có khoảng 160 cặp tảo hôn.  Tình trạng tảo hôn diễn ra chủ yếu vào sau dịp Tết Nguyên đán. Sau khi nắm bắt tình hình, chính quyền địa phương đã cùng với các thầy cô giáo nhà trường đến tận gia đình để tuyên truyền, vận động người dân không tảo hôn, tự chấm dứt hành vi. Nhiều trường hợp đã phải sử dụng đến biện pháp hành chính, hương ước, trục xuất ra khỏi nơi cư trú…

Tháng 11/2020, Công an huyện Mèo Vạc đã khởi tố vụ án hình sự Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, xảy ra ở xã Cán Su Phìn. Một nữ sinh đang học lớp 7, mới 12 tuổi 11 tháng 28 ngày, bị một đối tượng kéo về làm vợ. Sau khi phát hiện, mẹ của nữ sinh đã lên công an trình báo sự việc.

 Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

Cô Trần Thị Thanh,  Hiệu trưởng Trường THCS Pả Vi, huyện Mèo Vạc thông tin: Để hạn chế tình trạng tảo hôn trong nhà trường, hàng tuần vào các buổi chào cờ đầu tuần, hoặc buổi sinh hoạt lớp, các thầy cô giáo nhà trường thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, giải thích cho các học sinh trong trường nắm được hậu quả của việc tảo hôn. 

Bên cạnh đó, tăng cường các buổi ngoại khóa, thảo luận về vấn đề tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học sinh, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay vấn đề xâm hại và lạm dụng tình dục vị thành niên và cách phòng tránh, chăm sóc vệ sinh thân thể đối với học sinh nữ...

 Nhờ đó,  tình trạng tảo hôn xảy ra trong nhà trường những năm gần đây, đã giảm đáng kể. Cụ thể, những năm trước có khoảng 5 - 7 trường hợp, thì hiện tại chỉ có 3 trường hợp. Năm học 2020 - 2021, Ban Giám hiệu Nhà trường đã vận động, thuyết phục thành công trường hợp một nữ sinh lớp 9 tảo hôn quay trở lại lớp học.

Những năm qua, tình trạng tảo hôn ở Mèo Vạc (Hà Giang) đã giảm, nhưng vẫn là bài toán nan giải đối với chính quyền nơi đây
Tảo hôn là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo

Không chỉ ở Trường THCS Pả Vi, mà hầu hết các trường nằm trên địa bàn huyện Mèo Vạc đều chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động các học sinh không tảo hôn bằng nhiều hình thức, nhiều phương pháp khác nhau.

Cô Lê Thị Kim Tho,  Hiệu trưởng Trường THCS Giàng Chu Phìn cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, trong công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong lứa tuổi học sinh. Khi phát hiện học sinh nghỉ học, chúng tôi phối hợp với cán bộ xã tới gia đình các em để vận động, giải thích, khuyên bảo, giúp các em hiểu được hệ lụy khi bỏ học lấy chồng sớm. 

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh và phụ huynh. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng hình thức sân khấu hóa tại trường để tuyên truyền sâu rộng về tảo hôn, tác hại của tảo hôn... Nhờ vậy, tình trạng tảo hôn đã giảm. Năm học 2020 - 2021, trường có 5 trường hợp học sinh tảo hôn, nhưng Nhà trường vận động quay trở lại trường học được 4 trường hợp...”.

Hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc đều phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng, chỉ đạo các trường, tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, về sức khỏe sinh sản đến học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng tảo hôn, ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, thì chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về vấn nạn tảo hôn. Trên cơ sở đó, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để những câu chuyện buồn về tảo hôn trong lứa tuổi học sinh ở vùng miền núi Hà Giang nói riêng, các địa phương nói chung không còn xảy ra; giúp các em nhận thức được sự nguy hại của nó và nói không với tảo hôn.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Khó thực hiện nội dung Đào tạo nghề theo Chương trình MTQG 1719 vì nhiều cái thiếu

Nghệ An: Khó thực hiện nội dung Đào tạo nghề theo Chương trình MTQG 1719 vì nhiều cái thiếu

Thiếu đối tượng học nghề, nhu cầu học nghề không nhiều, chưa kể hệ thống cơ sở vật chất, số lượng giáo viên dạy nghề không đủ đáp ứng… đang là thực tế. Đây là nguyên nhân tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An về hỗ trợ đào tạo nghề không thể giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ.