Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Văn Quan (Lạng Sơn): Thực hiện hiệu quả chiến lược công tác dân tộc

Phạm Anh Tuấn - 10:16, 12/03/2021

Văn Quan là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn. Toàn huyện có tổng số 13.397 hộ, 54.272 nhân khẩu. Trong đó, tổng số hộ đồng bào DTTS là 13.208 hộ (dân tộc Tày, Nùng chiếm trên 97%).

Mô hình nuôi cá lồng hiệu quả của huyện Văn Quan
Mô hình nuôi cá lồng hiệu quả của huyện Văn Quan

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 29-CT/TU ngày 25/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, hằng năm, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc được huyện quán triệt đến các ban, ngành, đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở và Nhân dân trên địa bàn huyện. Từ đó, các chủ trương, chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở địa phương, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Giai đoạn 2015 - 2020 nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình 30a và lồng ghép vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư trên địa bàn được 150.927 triệu đồng với 284 công trình. Hằng năm, công tác duy tu, bảo dưỡng công trình đường giao thông nông thôn được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, phục vụ Nhân dân đi lại được dễ dàng. Mạng lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân được quan tâm đầu tư. Đến nay, đã có trên 97,9% thôn bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Mạng lưới điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 8,15%. Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), huyện mở được 15 lớp tại huyện và các xã cho cán bộ xã, các thành viên Ban Phát triển thôn được trên 2.000 lượt người tham dự... Công tác lập quy hoạch được triển khai theo đúng kế hoạch, có 23/23 xã lập quy hoạch chung, trong đó chỉ có 3 xã điểm đã lập quy hoạch chi tiết. Đến hết năm 2019 trên địa bàn toàn huyện có 6 xã đã đạt chuẩn NTM.

Đến nay, toàn huyện đã củng cố, phát triển hệ thống giáo dục đào tạo hoàn chỉnh các cấp học, bậc học từ giáo dục mầm non đến THPT, phát triển hệ thống các trường PTDT bán trú. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn 100%, tỷ lệ giáo viên là người DTTS chiếm trên 95%, số còn lại đã công tác tại vùng DTTS ít nhất 3 năm cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

Việc thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cùng với các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ và của tỉnh đã phần nào hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn, học sinh con hộ nghèo có điều kiện học tập tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện, duy trì đạt phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ và phổ cập giáo dục THCS.

Các nội dung xây dựng các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao xã, thôn đã được quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển. Thực hiện phương châm xã hội hóa với sự hỗ trợ của Nhà nước cộng với đóng góp của Nhân dân và kêu gọi đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đã góp phần mang lại những kết quả nhất định. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được các cấp, các ngành của huyện quan tâm triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn huyện có 12 di tích đã được các cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU ngày 25/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình hình đồng bào vùng DTTS trên địa bàn huyện ổn định. Đời sống, an sinh xã hội ổn định, tình hình quốc phòng - an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các dân tộc chung sống đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đề ra

Việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở vùng DTTS đã được cấp ủy đảng, chính quyền huyện quan tâm; tăng cường bố trí, biệt phái cán bộ trẻ có năng lực đi cơ sở làm lãnh đạo; hằng năm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu công việc hiện nay.

Việc phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS được triển khai thực hiện tốt. Hằng năm Người có uy tín được tham gia tập huấn và tham quan học tập kinh nghiệm do tỉnh tổ chức...

Có thể thấy, trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU ngày 25/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tình hình đồng bào vùng DTTS trên địa bàn huyện ổn định. Đời sống, an sinh xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các dân tộc chung sống đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đề ra.