Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Về Bom Bo hoài niệm tiếng chày tay

PV - 22:32, 29/04/2019

Tháng 4 trở về với vùng đất kiên trung chiến khu Đ xưa. Mỗi chặng đường đi qua như trải theo những dòng hoài niệm về một thời lịch sử hào hùng và gian khó. Nơi ấy là sóc Bom Bo của những người X’tiêng một lòng theo cách mạng. Vùng đất đẹp như một huyền thoại từng là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ - chiến sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng…

Trước khi lên đường, tôi đã tìm được những thông tin thú vị từ bản lưu trữ một bức mật thư của Thống đốc Nam Kỳ Rôđiê gửi Chính phủ bảo hộ Pháp ngày 26/6/1904. Mật thư viết về Bom Bo xưa: “Phía tả ngạn sông Bé, đoạn gần núi Yumbra có một số người thích sống một mình một cõi theo tục cà răng, đốt tro để làm muối. Theo tin tức mà ta thu lượm được thì họ thích ăn muối cũng như ta thích ăn đường…” Vượt hơn 300 cây số, từ Đà Lạt đến di tích căn cứ khu 6 Anh hùng cuối tỉnh Lâm Đồng rồi vượt sông Đồng Nai qua vùng núi rừng Bù Đăng, Bình Phước... Suốt hành trình, chúng tôi mang theo âm hưởng lời ca: “Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày về đường này thăm sóc Bom Bo. Lại nghe tiếng chày nhịp nhàng trên sóc Bom Bo…” Cắt ngang ngã ba Minh Hưng trên Quốc lộ 14, tỉnh lộ ĐT760 đưa chúng tôi về với căn cứ Nửa Lon xưa. Bom Bo đây rồi, không còn phải tìm đường thêm nữa, vì ngay trước mặt là ngôi trường tiểu học mang tên Xuân Hồng, người nhạc sĩ mà đồng bào X’tiêng coi như thân nhân của họ.

Khu phục dựng đời sống kháng chiến ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng Bom Bo. Ảnh TL Khu phục dựng đời sống kháng chiến ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng Bom Bo. Ảnh TL

Ngôi nhà khang trang của già làng Điểu Lên, người được coi là pho sử sống của sóc nằm ngay bên mép lộ. Ông bà Lên ở luôn trong rẫy điều để tiện bề sản xuất, chỉ có các cô con gái ở nhà. Mạch chuyện xưa bắt đầu trở về bằng những hiểu biết rời rạc của những thanh niên thế hệ 8X như Điểu Thị Xya và Điểu Thị Bá. Họ biết sóc Bom Bo của họ nổi tiếng, họ tự hào về điều đó, nhưng sự hiểu biết về trang sử quê hương thì rất sơ sài. Trong ngôi nhà ấy, dòng ký ức hào hùng trong quá khứ của gia đình, của vùng đất như hiển hiện rõ nét từ những bức ảnh, những huân chương, huy chương, những tấm bằng Tổ quốc ghi công và Dũng sĩ diệt Mỹ. Gia đình này nổi tiếng, nổi tiếng bởi sự tôn vinh và bởi những hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh vệ quốc. Điểu Thị Xya, cô con gái áp út của già Điểu Lên, một cán bộ phụ nữ xã Bình Minh, nhận lời dẫn chúng tôi vào rừng cách nhà năm cây số để gặp bố cô, vị già làng X’tiêng thông thái, người Cựu chiến binh dũng cảm, một đảng viên kỳ cựu của vùng đất anh hùng.

* * *

Ôm vai già Điểu Lên giữa rẫy điều sát mép rừng già và nghe tiếng suối Đăk Lấp ầm ào tuôn chảy như giúp chúng tôi hình dung rõ thêm trang sử một thời. Khói chiều lan tỏa sau màn mưa. Chúng tôi cùng già chìm trong dòng cảm xúc về những năm tháng cũ. Giữa núi rừng, buôn làng bình yên hôm nay mà như đang thấy những đoàn người X’tiêng bỏ ấp chiến lược, bỏ lại buôn sóc ngàn đời, lội suối, cắt rừng theo kháng chiến. Những người con trai, con gái X’tiêng gùi lương, tải đạn, đặt chông, cầm súng. Như Cựu binh Điểu Lên đây, cả nhà ông có 7 anh em đều tham gia cách mạng; bản thân đánh 45 trận, ba lần nhận danh hiệu Dũng sĩ cấp 2, cấp 3. Gia cảnh vợ ông, bà Điểu Thị Vrơi, cựu giao liên cũng vậy. Hai người anh của bà đều anh dũng hy sinh. Anh cả Điểu Xiêng-xã đội trưởng Bom Bo, bị địch bắt, không khai, địch giết. Anh trai thứ Điểu Lanh thì ngã xuống trong chiến dịch Phước Long. Hai tấm bằng Tổ quốc ghi công được đặt trang trọng trong ngôi nhà của người em gái…

Câu chuyện Bom Bo cứ thế men theo dòng lịch sử, tôi chuyển mạch chuyện sang bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và nhạc sĩ Xuân Hồng. Gìa làng Điểu Lên sống dậy cảm xúc. Già nói: “Xuân Hồng là người anh kết nghĩa của tôi. Hồi kháng chiến, anh ấy như là người X’tiêng Bom Bo này vậy. Từ ngày giải phóng đến nay, Xuân Hồng về thăm Bom Bo thường xuyên. Anh bệnh nặng, tôi và bà con về thăm. Anh mất, tôi dẫn đồng bào Bom Bo về TP. Hồ Chí Minh kính viếng…”. Câu chuyện được kể tiếp về sự ra đời của ca khúc nổi tiếng, với giai điệu và ca từ đẹp như huyền thoại về lòng yêu nước của đồng bào X’tiêng Bom Bo, chọn hướng đi chung trong dòng chảy tranh đấu oai hùng. Mùa khô năm 1965, Khu ủy khu 10 và Bộ Chỉ huy Quân sự Miền quyết định mở Chiến dịch Đồng Xoài-Phước Long. Để chuẩn bị lương thực cho bộ đội, người dân X’tiêng từ nương rẫy đến bưng bàu, nô nức suốt lúa tập trung thóc vào kho hậu cần. Già trẻ, gái trai Bom Bo và vùng Đăk Nhau huy động toàn bộ cối chày, ngày đêm giã gạo, số lương thực phục vụ bộ đội vượt chỉ tiêu đề ra. Hình ảnh chiến khu rộn ràng như lễ hội. Đêm rừng hoang dã, những chiến sĩ giải phóng cùng các cô gái X’tiêng chung cối gạo, mỗi người một chiếc chày tay dài hai mét, một cối từ hai đến ba người cùng giã. Bà Điểu Thị Vrơi nói theo động tác: “Khi giã gạo, hai chân đứng xếp bằng bất di bất dịch, nhấc chày lên khỏi cối, người giã chỉ điều khiển đôi vai và lắc cặp mông. Nhìn như đang múa…”.

Tiếng chày khua “cắc cùm cum, cắc cúm cùm cum” dưới ánh đuốc lồ ô bập bùng trong đêm chiến khu đã trở thành nguồn cảm xúc cho nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác ca khúc nổi tiếng của mình vào năm 1965, khi ông được Khu ủy biệt phái tăng cường ra mặt trận. Với giai điệu mô phỏng âm thanh nhịp chày khua và nhịp điệu giã gạo hết sức độc đáo, bài hát đã tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt, hào hùng như huyền thoại đẹp của người X’tiêng giàu lòng yêu nước: “Đuốc gần tàn nhịp chày thêm rắn rỏi. Bóng trăng lên vừa khỏi đỉnh đồi cây. Người chưa ngơi đã sẵn có người thay. Cối gạo vơi đi và rồi gạo lại đầy…” Bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” được dựng cấp tốc và phát trên Đài Phát thanh Giải phóng, ngay lập tức đã vượt không gian và cả thời gian, trở thành một bản hùng ca thôi thúc quân dân khắp nơi đánh giặc. Ngay từ ngày kháng chiến, người X’tiêng Bom Bo từ trẻ chí già không ai là không thuộc bài hát của người nhạc sĩ Giải phóng viết từ quê hương họ, viết về quê hương họ. Cựu chiến binh Điểu Lên kể: “Đêm đó, tôi đang nằm trên võng thao thức trước giờ vào trận, thì người đồng đội nằm kế bên bắt sóng phát thanh. Trước đó, chúng tôi từng tập hát, nhưng lần đầu tiên nghe bài hát trên đài, cảm xúc thật rạo rực. Vừa thấy tự hào về buôn sóc của mình vừa muốn ôm súng lao ngay vào trận.” Cô Điểu Thị Bá sinh năm 1993, Đội phó Đội văn nghệ sóc Bom Bo thì nói: “Chúng em đi biểu diễn khắp nơi, tận Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hay Vũng Tàu, Phú Yên… Đến đâu thì tiết mục “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vẫn là chủ đạo, khán giả yêu cầu biểu diễn đầu tiên…”.

* * *

Chiến tranh đã lùi xa. Chúng tôi tìm về Bom Bo trong những ngày lịch sử với một tâm trạng xúc động. Quá khứ thật hào hùng, chiến công vô cùng chói lọi và hy sinh mất mát thì biết bao đau thương. Nhưng lứa trẻ Bom Bo hôm nay sinh ra giữa thời bình, mấy người còn ý thức về ký ức quê hương một thời. Những người như cụ bà Điểu Brơn, cựu Đội trưởng Đội giã gạo nuôi quân nay đã về với tổ tiên và mang theo câu chuyện quá khứ. Chia tay Bom Bo, chia tay những người X’tiêng trung kiên trong cơn mưa chiều giữa núi rừng miền Đông. Xa rồi bóng hình những chiếc lu trên vai bà mẹ X’tiêng ra suối lấy nước. Xa rồi tiếng chày tay giã cối gạo nương cum cụp cùm cum. Chỉ còn lại đây những hoài niệm khôn nguôi, niềm vui và cả những âu lo.

UÔNG THÁI BIỂU

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội Gầu Tào

Lễ hội Gầu Tào

Lễ hội Gầu Tào là một trong những sinh hoạt văn hóa cổ truyền, được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Hiện nay, ở nhiều địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lao Châu, Sơn La... đồng bào Mông đã duy trì việc tổ chức Lễ hội Gầu Tào vào dịp đầu Xuân mới và trở thành điểm nhấn du lịch với du khách trong và ngoài nước.