Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về Đăk Kroong trải nghiệm văn hóa của người Gié Triêng

H.Đại - P. Nguyên - 15:46, 22/09/2022

Xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng bào DTTS đã ý thức được việc gìn giữ và truyền dạy những giá trị văn hóa đặc sắc cho thế hệ mai sau. Có dịp đến với xã Đăk Kroong chúng ta sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng, những nghề truyền thống của đồng bào Gié Triêng nơi đây.

Nghệ nhân A Thơng ở thôn Đăk Wâk biểu diễn cồng chiêng
Nghệ nhân A Thơng ở thôn Đăk Wâk biểu diễn cồng chiêng

Xã Đăk Kroong nằm cách trung tâm huyện Đăk Glei khoảng 15 km. Toàn xã có 6 thôn; dân số hơn 1.130 hộ, với gần 4.600 khẩu, dân tộc Gié Triêng chiếm khoảng 95%. Trong những năm qua, nhờ triển khai thực hiện kịp thời các chương trình hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống đồng bào DTTS và diện mạo các thôn, làng có sự đổi thay rõ rệt. 

Cùng với việc hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nên đạt được những kết quả nhất định. 

Hiện nay, trên địa bàn xã có 6/6 thôn duy trì được đội cồng chiêng và múa xoang; nghề đan lát và dệt thổ cẩm truyền thống cũng được gìn giữ. Đặc biệt, với sự nhiệt tình, trách nhiệm của các nghệ nhân, nên thế hệ trẻ trên địa bàn xã đã yêu thích việc học đánh cồng chiêng, múa xoang và các nghề truyền thống như nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm. Đây chính là việc làm thể hiện rõ ước vọng của thế hệ trẻ, trong việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Đăk Kroong, chúng tôi đến gặp nghệ nhân A Thơng ở thôn Đăk Wâk, là một trong những nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn xã. Dù đã hơn 70 tuổi, nhưng nghệ nhân A Thơng vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông kể, ông theo cha tập đánh cồng chiêng từ năm 15 tuổi, nên giờ đây ông biết cách đánh nhiều bài chiêng, hát những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Gié Triêng.

Bằng niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc, nghệ nhân A Thơng luôn dành thời gian vào mỗi buổi chiều và khoảng sân trước nhà để tập cồng chiêng cho bạn trẻ trong thôn. Qua đó, giúp thế hệ trẻ cảm thấy yêu quý hơn bản sắc văn hóa của dân tộc mình và phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy. 

Anh A Tia, được nghệ nhân A Thơng dạy đánh cồng chiêng và hiện đang tham gia đội cồng chiêng, múa xoang thôn Đăk Wâk, kể: "Lúc nhỏ hay qua nhà xem và nghe âm thanh cồng chiêng do ông A Thơng đánh thấy rất hay và rất vui. Sau đó, hỏi ông già chỉ cho con với, rồi ông cũng chỉ nên tôi đánh được cồng chiêng. Khi đã biết rồi thì thấy cồng chiêng rất có giá trị, tôi phải có trách nhiệm gìn giữ cho thế hệ mai sau".

Nghệ nhân A Thơng ở thôn Đăk Wâk truyền dạy cồng chiêng cho bà con
Nghệ nhân A Thơng ở thôn Đăk Wâk truyền dạy cồng chiêng cho bà con

Ngoài cồng chiêng, hiện xã Đăk Kroong còn lưu giữ được nghề đan lát truyền thống, với hơn 20 nghệ nhân có tay nghề cao, trong đó có nghệ nhân A Ngựi ở thôn Nú Vai. Nghệ nhân A Ngựi cho biết: tranh thủ thời gian rảnh rỗi ông thường đan những vật dụng như gùi, ang để phục vụ đời sống hàng ngày. Ông luôn sẵn lòng dạy đan lát cho bất cứ ai muốn học. Bởi theo ông, việc dạy lại cho thể hệ trẻ biết được nghề truyền thống đó cũng chính là niềm vui của ông và cũng là trách nhiệm của ông đối với thế hệ cha ông đi trước.

Được học nghề đan lát này thấy cũng vui, mình làm cho gia đình mình sử dụng. Mấy cái gùi, mấy cái ang này thiết thực với đời sống, đi làm có cái để cơm, đồ dùng rất tiện - anh A Xuân Định ở thôn Nú Vai, xã Đăk Kroong hiện đang được nghệ nhân A Ngựi dạy cách đan gùi cho biết.

Đan lát cũng là nghề truyền thống được lưu giữ, bảo tồn tại xã Đăk Kroong
Đan lát cũng là nghề truyền thống được lưu giữ, bảo tồn tại xã Đăk Kroong

Cùng với đó, hiện nay 6/6 thôn của xã Đăk Kroong đều bảo tồn và phát huy được giá trị của nhà rông truyền thống. Ông A Tùng, Thôn trưởng thôn Đăk Wâk, xã Đăk Kroong chia sẻ: nhà rông của người Gié Triêng được xem như là nơi giữ hồn làng. Vì vậy, dù các nguyên vật liệu để phục vụ việc xây dựng, sửa chữa lại nhà rông truyền thống không còn nhiều, phải tìm kiếm rất khó khăn, nhưng bằng tinh thần đoàn kết của cộng đồng thôn và trách nhiệm với văn hóa dân tộc, bà con đã chung tay, góp sức để xây dựng, sửa chữa đảm bảo giữ nguyên vẹn bản sắc của nhà rông truyền thống.

Để khuyến khích, lan tỏa hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc trong cộng đồng, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Đăk Kroong còn tạo điều kiện cho các đội cồng chiêng, múa xoang và các nghệ nhân đan lát, tham gia các Ngày hội văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức. Qua đó, tạo điều kiện cho các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, học hỏi và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, vừa qua đoàn nghệ nhân xã Đăk Kroong đã đạt 5 giải xuất sắc và giải A toàn đoàn tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Đăk Glei lần thứ I năm 2022.

Đoàn nghệ nhân xã Đăk Kroong tham dự Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Đăk Glei lần thứ I năm 2022
Đoàn nghệ nhân xã Đăk Kroong tham dự Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Đăk Glei lần thứ I năm 2022

"Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và vai trò của các nghệ nhân trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thời gian tới, UBND xã Đăk Kroong sẽ tiếp tục huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho các hoạt động này", bà Hoàng Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong cho biết.

Chia tay những nghệ nhân tâm huyết với văn hóa dân tộc ở xã Đăk Kroong, trong tâm trí tôi luôn hiện hữu âm thanh vang vọng của cồng chiêng và cảm thấy thật trân trọng những gì mà các nghệ nhân đang làm cho thế hệ mai sau...