Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vì sao đồng bào giàu

PV - 09:42, 13/07/2019

Đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống phục vụ sản xuất nông nghiệp,… là những trợ lực giúp đồng bào DTTS vươn lên khá giả. Nhưng điều kiện đi kèm là bà con phải có đất canh tác và ý chí tự lực vươn lên.

Bài 2: Giàu từ chủ trương giữ đất

Nông dân thôn Kambutte miệt mài trên những cánh đồng. (Ảnh chụp 11 giờ ngày 07/7/2019). Nông dân thôn Kambutte miệt mài trên những cánh đồng. (Ảnh chụp 11 giờ ngày 07/7/2019).

Không cho đất nghỉ

11 giờ trưa, thôn Kambutte (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) tĩnh lặng. Các căn nhà khang trang cửa đóng kín, vài ba tiệm tạp hóa hiếm hoi ở thôn cũng không bóng người.

Trái lại, trên những cánh đồng rau xanh mướt lại nhộn nhịp, người cuốc đất, người cắt rau, người thì đóng gói nông sản vào từng thùng giấy để chuẩn bị cho xe đến vận chuyển. Đến gần cũng chỉ nghe tiếng lưỡi cuốc phập vào đất, bởi không ai nói chuyện, người nào cũng chú tâm vào công việc của mình.

Trong cái tĩnh lặng đó chợt vang lên tiếng leng keng phát ra từ phía chiếc máy cày đang đỗ bên đường. Một người đàn ông dáng người thấp đậm đang sửa chữa máy. Không vồn vã khi được hỏi chuyện, nhưng ông cũng chia sẻ công việc của mình với người khách lạ.

Ông bảo, ông tên là Ka Vẽ, sinh năm 1974, dân tộc Cơ-ho. Chiếc máy cày này là “cần câu cơm” của gia đình. Vốn là một giáo viên, nhưng lương thấp quá, để nuôi 3 đứa con ăn học, Ka Vẽ đã chủ động xin nghỉ việc, đầu tư 250 triệu đồng để mua máy cày làm dịch vụ.

“Ở đây nhà nào cũng trồng rau nên mua máy cày làm dịch vụ là thích hợp nhất. Rau thu hoạch thường xuyên nên nhu cầu làm đất rất lớn. Bình quân mỗi ha làm đất được trả 2 triệu đồng”, Ka Vẽ cho hay.

Đem câu chuyện của Ka Vẽ kể lại với Trưởng thôn Kambutte-anh K’Bril, anh cười, rồi bảo, Ka Vẽ nói khiêm tốn đó. Gia đình Ka Vẽ được xem là hộ khá của thôn. Làm dịch vụ cày đất chỉ là làm thêm thôi. Nhà Ka Vẽ còn có 1,3ha đất trồng rau, mỗi vụ rau cho thu nhập xấp xỉ 250-300 triệu đồng rồi.

Trưởng thôn K’Bril cho hay, thôn Kambutte có hàng trăm ha đất trồng rau các loại. Trong đó có 51ha rau lấy quả (dưa hấu, dưa chuột, bí xanh, mướp,…), 15,2ha trồng rau lấy củ (cà rốt, khoai tây,…), 30ha trồng rau lấy lá (rau cải, rau cần, rau salas,…). Các loại rau đem lại giá trị kinh tế rất cao vì mùa vụ ngắn (tùy vào các loại rau, chỉ từ 6 tuần đến 4 tháng là có thể thu hoạch một vụ). Với một ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao (sử dụng nhà kính, nhà lưới, tưới tự động) thì cho thu nhập 250-300 triệu đồng, còn nếu không thì cũng xấp xỉ 170 triệu đồng/ha.

“Có đất trồng rau, thu nhập cao nên bà con trong thôn ham làm lắm. Ở đây bà con đi làm đồng cả ngày, không cho đất nghỉ đâu. Ngoài trồng rau, nhiều gia đình trong thôn còn chăn nuôi gia súc để bán thịt. Thôn chỉ có 170 hộ nhưng hiện tổng đàn gia súc của thôn hiện có 631 con, trong đó có 151 con trâu, 312 con bò và 168 con lợn. Ngày bà con đi làm đồng, trâu, bò giao cho một thành viên trong gia đình đi chăn; tối về còn tranh thủ cho trâu, bò ăn thêm vì cho ăn buổi đêm giúp trâu, bò phát triển trọng lượng rất nhanh”, anh K’Bril cho biết.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, đồng bào Cơ-ho, Chu-ru ở xã Tu Tra còn chăn nuôi gia Ngoài sản xuất nông nghiệp, đồng bào Cơ-ho, Chu-ru ở xã Tu Tra còn chăn nuôi gia súc.

Giữ đất cho đồng bào

Sự cần cù, chịu khó của người dân ở thôn Kambutte được đền đáp khi thu nhập bình quân của thôn hiện đã đạt 45 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn có 170 hộ (99% là đồng bào dân tộc Cơ-ho, Chu-ru) hiện chỉ có 2 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Ở Kambutte giờ không thiếu những tỷ phú nông dân, giàu lên nhờ sản xuất nông nghiệp.

Nhưng điều khiến Trưởng thôn K’Bril tâm đắc nhất khi nói chuyện với chúng tôi là ở thôn Kambutte hiện không có hộ nào không có đất sản xuất. Nhà ít thì cũng có 4 sào (4.000m2), nhà nhiều thì có vài ba ha đất để canh tác; thậm chí có gia đình có đến gần chục ha.

“Không có đất sản xuất thì người dân thôn Kambutte làm sao có thể phát triển kinh tế được. Bà con có đất để sản xuất như hiện nay cũng là nhờ tỉnh có chủ trương giữ đất cho đồng bào”, anh K’Bril cho biết.

Theo Trưởng thôn K’Bril, từ nhiều năm nay, tỉnh Lâm Đồng đã quyết liệt triển khai chủ trương hạn chế mua bán, chuyển nhượng đất đã được giao quyền sử dụng cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Đáng chú ý nhất là quy định, mỗi hộ đồng bào DTTS có đất sản xuất được giao quyền sử dụng, nếu muốn mua bán, chuyển nhượng nhưng phải giữ lại cho gia đình mình diện tích lớn hơn hoặc bằng 0,6ha (6.000m2) để canh tác.

Chưa rõ lắm về quy định này nên chúng tôi tìm gặp ông Ka Sung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đơn Dương để tìm hiểu. Theo thông tin từ ông Ka Sung thì quy định này đã được tỉnh Lâm Đồng triển khai từ hàng chục năm nay, áp dụng đối với các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh.

Gần đây nhất, ngày 30/01/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND, trong đó quy định các điều kiện chuyển nhượng, mua bán, quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là, với các hộ đồng bào DTTS đã được cấp quyền sử dụng đất có diện tích trên 0,6ha, có nhu cầu bán, chuyển nhượng thì vẫn được quyền, nhưng không được bán, chuyển nhượng hết tất cả. Số diện tích dư ngoài 0,6ha thì được mua bán, chuyển nhượng, mua bán; còn tối thiểu phải giữ lại 0,6%, nếu bán quá thì chính quyền địa phương không chứng thực.

“Mục đích của quy định này là nhằm giúp đồng bào giữ được đất sản xuất, có tư liệu để phát triển kinh tế. Đồng bào có đất sản xuất nên các chương trình, dự án hỗ trợ bà con khi triển khai cũng rất hiệu quả”, ông Ka Sung cho biết.

Nhờ chủ trương giữ đất sản xuất cho đồng bào, cùng với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nên tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS của huyện Đơn Dương giảm sâu (hiện chỉ còn 3,81%). Tính chung cả tỉnh Lâm Đồng, với 24,1% dân số là đồng bào DTTS, hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn 9,56%. Trong năm 2018, toàn tỉnh Lâm Đồng có 3.100 hộ thoát nghèo, trong đó có 1.400 hộ là người DTTS.

Để đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2014-2019, huyện Đơn Dương được bố trí 62,756 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Trong đó vốn Chương trình 135 là 24,911 tỷ đồng; Chương trình định canh định cư 7,197 tỷ đồng; Chương trình 167, Chương trình 755, Quyết định 2085,… trên 28 tỷ đồng. 

TÙNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Qua 3 năm tổ chức sản xuất, mô hình cánh đồng lớn ở Bác Ái (Ninh Thuận) đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân ở huyện nghèo từng bước thay đổi. Một trong những ưu điểm của mô hình này, là rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, và đồng bộ được cơ sở hạ tầng của địa phương.