Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc còn chậm

Thúy Hồng - 22:05, 19/05/2022

Chiều 19/5, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc. Về phía Ủy ban Dân tộc, có sự tham dự của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Thực hiện Nghị quyết số 132/NQ-HĐDT15 ngày 25/10/2021 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021" của Hội đồng Dân tộc (HĐDT); từ tháng 11/2021 - 4/2022, Đoàn giám sát đã tiến hành xây dựng đề cương báo cáo, kế hoạch triển khai giảm sát; đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo và tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với Chính phủ và một số bộ, ngành.

Trên cơ sở Báo cáo số 24/BC-CP ngày 24/01/2022 và Báo cáo bổ sung số 112/BC-CP ngày 6/4/2022 của Chính phủ và các báo cáo của các bộ, ngành có liên quan theo đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát và qua các buổi làm việc; đến nay Thường trực HĐDT đã xây dựng xong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát để thống nhất nội dung báo cáo trước khi trình Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XV).

Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội cho biết: Giai đoạn 2016 - 2022, Quốc hội đã ban hành 42 luật, 12 nghị quyết của Quốc hội và 5 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc. Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã ban hành các văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm được giao; ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc, cũng như ban hành các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan đến công tác dân tộc.

Về cơ bản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, góp phần quan trọng bảo đảm tương đối đầy đủ hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều chỉnh toàn diện tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, việc xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc vẫn còn hạn chế nhất định.

Qua kết quả giám sát với các bộ ngành có liên quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 37 văn bản, trong đó có 35 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 Thông tư của Bộ trưởng. Số lượng văn bản ban hành có hiệu lực thi hành cùng thời điểm có hiệu lực của luật: 12/25 văn bản, chiếm tỷ lệ 48%. Số lượng văn bản ban hành chậm là 13/25 văn bản, chiếm tỷ lệ 52%. Có một số nội dung quy định chung chung, mang tính định hướng như “ưu tiên”, “ưu đãi”, “khuyến khích”, “hỗ trợ”… trong các luật liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc chưa được quy định cụ thể, để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện, do các luật không quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm quy định chi tiết các nội dung nêu trên.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại buổi làm việc

Một số nghị định, quyết định có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội còn chậm được ban hành, đã làm chậm quá trình tiếp cận nguồn lực để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Bên cạnh đó, sự phân công và việc phối, kết hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc xây dựng, quyết định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc chưa tạo được sự gắn kết và thống nhất, đồng bộ.

Các văn bản quy phạm pháp luật do nhiều chủ thể ban hành, chủ yếu là văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý thấp… chưa thể hiện rõ tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, tính ổn định, tính dự báo và tính khả thi của một số chính sách dân tộc chưa cao. Việc bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chất lượng thực hiện các chính sách dân tộc còn chưa đồng đều, có nơi chưa hiệu quả, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào DTTS còn thấp.

Tại buổi báo cáo kết quả giám sát, các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Công thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo giải trình với Đoàn giám sát về việc ban hành chậm những văn bản, quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 20221.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết: Ủy ban Dân tộc đồng tình với kết quả báo cáo của Đoàn giám sát. Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ tổng hợp báo cáo đánh giá từ các bộ ngành, Ủy ban Dân tộc đề nghị các bộ, ngành cung cấp các văn bản báo cáo để Ủy ban Dân tộc xây dựng lại báo cáo bổ xung thống nhất với các bộ, ngành trước khi báo cáo Đoàn giám sát để trình UBTV Quốc hội.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội, Trường đoàn giám sát Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Qua giám sát “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021” Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã có sự quan tâm đến công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm được giao trong các dự luật có các nội dung có liên quan đến công tác dân tộc. Hệ thống các văn bản dưới luật đó đã góp phần quan trọng trong việc luật hóa các chính sách pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, điều chỉnh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng DTTS và miền núi.

Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc ban hành một số văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật có liên quan đến công tác dân tộc còn chậm so với quy định hoặc chưa ban hành; nhiều nội dung ban hành còn quy định chung chung chưa quy định các ưu đãi, đặc thù cụ thể dẫn đến khó thực thi hoặc thực thi hiệu quả thấp.

Qua trao đổi, đánh giá về đoàn giám sát của các bộ, ngành, đã thống nhất về phạm vi nội dung hướng dẫn thi hành và văn bản ban hành, văn bản nào chưa ban hành, văn bản nào ban hành chậm. Tuy nhiên, vẫn còn cách hiểu chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, chưa hoàn thiện về các văn bản liên quan trong công tác dân tộc.

“Đề nghị các bộ ngành cần giải trình rõ hơn về những đề xuất nội dung cần đánh giá, rà soát, kiến nghị cần xem xét lại đề để thống nhất các nội dung trong báo cáo”, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.

Trên cơ sở của dự thảo Báo cáo giám sát, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội đề nghị, Ủy ban Dân tộc thừa ủy quyền của Chính phủ và các bộ có liên quan cùng trao đổi với các thành viên trong đoàn giám sát để thống nhất các nội dung được nêu báo cáo Đoàn giám sát để trình UBTV Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục
Khai mạc Festival Ninh Bình chủ đề “Dòng chảy di sản”

Khai mạc Festival Ninh Bình chủ đề “Dòng chảy di sản”

Tối 24/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (thành phố Ninh Bình) đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề "Dòng chảy di sản". Đây là sự kiện văn hóa - du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng của dân tộc.