Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Viện Nghiên cứu lập pháp cần gắn nghiên cứu với thông tin khoa học lập pháp

PV - 22:51, 01/10/2021

Chiều 1/10, dự lễ công bố Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp và Phiên họp thứ nhất Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, GS, TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Là một thiết chế hết sức quan trọng, có tính chất đặc thù, Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết cho Viện trưởng Viện Lập pháp Nguyễn Văn Hiển. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết cho Viện trưởng Viện Lập pháp Nguyễn Văn Hiển. (Ảnh: Duy Linh)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Viện Nghiên cứu lập pháp có khung khổ pháp lý mới để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, một thiết chế hết sức quan trọng, có tính chất đặc thù; chúc mừng Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Hội đồng Khoa học của nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cách đây 13 năm, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư, đã ký nghị quyết thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp với tư duy và tầm nhìn rất xa, hình thành thiết chế hỗ trợ Quốc hội trong công tác lập pháp, một trong những chức năng cơ bản nhất của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: Duy Linh)
Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: Duy Linh)

Sau 13 năm, Viện Nghiên cứu lập pháp đạt được những kết quả rất khả quan và cần thiết phải tiếp tục kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ; tinh gọn hơn nữa bộ máy nhưng nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ có cải thiện năng lực hoạt động; Tạp chí Nghiên cứu lập pháp thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ trở thành tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại buổi lễ. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại buổi lễ. (Ảnh: Duy Linh)

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việc ban hành nghị quyết này là một trong những thành quả đầu tiên khi Quốc hội khóa XV thực hiện nghị quyết của Đảng đoàn Quốc hội về chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết 161/2021/QH14 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hơn 75 năm qua, Quốc hội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, yêu cầu của Đảng, Nhà nước, đòi hỏi của cử tri và nhân dân bắt buộc Quốc hội phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng hoạt động.

Vì vậy, trong chương trình hành động có hơn 100 đề án, nhiệm vụ, kế hoạch rất cụ thể, trong đó có đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Đánh giá cao những kết quả mà Viện Nghiên cứu lập pháp đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục phối hợp Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào các dự án luật, dự thảo nghị quyết; tổ chức hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến chuyên gia về các dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Về một số nhiệm vụ trước mắt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội và tổ chức Đảng cơ sở Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức quán triệt việc phân công chức năng, nhiệm vụ để thấy rõ hơn tính chất hoạt động, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những việc làm chưa tốt.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội dự buổi lễ. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội dự buổi lễ. (Ảnh: Duy Linh)

Căn cứ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp kịp thời ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, củng cố bộ máy bên trong của các đơn vị trực thuộc; đề xuất kiện toàn nhân sự.

Chủ tịch Quốc hội khuyến khích Viện Nghiên cứu lập pháp hình thành mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần thành lập mạng lưới sáng kiến Quốc hội; tiến tới tham gia tích cực vào Diễn đàn Kinh tế, xã hội thường niên.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội sớm xây dựng quy chế tài chính cho Viện Nghiên cứu lập pháp, bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất khác để Viện sớm thực hiện công tác chuyên môn và bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện.

Viện cần tập trung nghiên cứu, triển khai có hiệu quả công tác chuyên môn, tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động xây dựng chuyên đề của Đảng đoàn Quốc hội đã được phân công theo chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện về nghiên cứu khoa học và tổ chức thông tin khoa học, xuất bản tạp chí Nghiên cứu lập pháp và quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ; phát huy vai trò của Viện là cơ quan nghiên cứu, tham mưu về lập pháp và thông tin lập pháp.

Mặt khác, cần tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật và gắn kết chặt chẽ, tham gia có hiệu quả với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong tất cả các khâu của quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; xây dựng hệ thống dữ liệu khoa học về lập pháp; chủ động chuẩn bị việc tổng kết, đánh giá kinh nghiệm 80 năm Quốc hội Việt Nam…

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, báo cáo kịp thời với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề phát sinh để giải quyết kịp thời.

Căn cứ vào Luật Tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Khoa học và công nghệ và một số Nghị quyết liên quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021- 2025.

Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; các Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học gồm: Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển và 22 ủy viên.

Hôm nay, Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ nhất dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nguyễn Khắc Định.

Tại phiên họp, Hội đồng thống nhất thông qua định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ thực hiện tại cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội giai đoạn tới; giao Viện Nghiên cứu lập pháp hoàn thiện văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này.