Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Việt Nam chính thức thử nghiệm vắc-xin thứ 2 ngừa COVID-19

PV - 10:27, 21/01/2021

Sáng 21/1, Lễ khởi động chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVIVAC do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất, được tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo và các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Trường Đại học Y Hà Nội cùng đại diện của các cơ quan, đơn vị có liên quan và đông đảo người dân quan tâm tới nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19. Vắc-xin COVIVAC đã được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5 năm 2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam, kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể tiến hành nghiên cứu trên người.

Vắc-xin COVIVAC là vắc/xin phòng bệnh COVID-19 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất. Đây là vắc-xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc-xin vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc-xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Ngày 19/1, đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vắc-xin COVIVAC đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và Hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan thẩm định.

Trong đó thử nghiệm giai đoạn 1 được thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Việc thử nghiệm lâm sàng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện, phối hợp cùng với Trường Đại học Y Hà Nội. Cụ thể, Trung tâm Dược lý lâm sàng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội được Bộ Y tế thẩm định là Tổ chức đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) được lựa chọn tiến hành thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dưới sự giám sát của Bộ Y tế.

Thử nghiệm được tiến hành dưới sự chủ trì của các nghiên cứu viên chính là GS. TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; GS. TS. Tạ Thành Văn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, PGS. TS. Vũ Đình Thiểm – Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và PGS.TS. Phạm Thị Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng - Đại học Y Hà Nội.

Nghiên cứu giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiến hành tuyển chọn 120 người tình nguyện là người khỏe mạnh, chia thành 5 nhóm: 3 nhóm vắc-xin không có tá chất với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg, 01 nhóm vắc xin mức liều 1 mcg có bổ sung tá chất và nhóm giả dược (placebo).

Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vắc-xin hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày. Dự kiến, người tình nguyện đầu tiên sẽ được tiêm vắc-xin thử nghiệm vào tháng 2.

Thử nghiệm giai đoạn 2 của vắc-xin COVIVAC: Sau khi thu thập được kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 vào ngày 43 của tất cả những người tình nguyện, nếu vắc-xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh thì sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn.

Tin 'đặc biệt' về 4 ca mắc COVID-19 ở Việt Nam

Theo tin từ Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 18h ngày 20/01, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 553 ca.

- Tính từ 18h ngày 19/01 đến 18h ngày 20/01ghi nhận thêm 4 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Hôm nay là ngày thứ 51 liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Riêng Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng.

TP Hồ Chí Minh cũng trải qua 51 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới ở cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 18.168, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 119

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 16.820

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.229.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: - 04 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1426, BN1449, BN1450, BN1474

Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.406 bệnh nhân/1.544 bệnh nhân COVID-19.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 14 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 10 ca, số ca âm tính lần 3 là 8 ca.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị hiện có 2 bệnh nhân nặng đang điều trị tại BVĐK TW Quảng Nam và BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh. Ngoài ra, một bệnh nhân đang điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng có dấu hiệu nặng lên, đã được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn điều trị hôm qua.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.