Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công và hoàn thành trước thời hạn về các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em từ năm 2015 - 2023, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Cùng với đó, Việt Nam đang tích cực thực hiện các giải pháp, các can thiệp chuyên môn để giảm tử vong sơ sinh, trong đó đặc biệt chú trọng đến giảm tử vong trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng.
Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến lớn về cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Việt Nam hiện vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn. Đó là khoảng cách về tử vong bà mẹ, trẻ em giữa các vùng miền, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS cao gấp 2 - 3 lần so với thành thị; tốc độ giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với trẻ dưới 1 tuổi và trẻ dưới 5 tuổi; tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với các nước phát triển.
Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc can thiệp giảm tử vong sơ sinh, đặc biệt là giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh do sinh non, nhẹ cân, bảo đảm cho mọi trẻ sinh non đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Theo bà Silvia Dalainov, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, trên thế giới cứ 10 trẻ sinh ra có 1 trẻ sinh non và Việt Nam cũng vậy. Tỉ lệ trẻ sinh non, nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh. UNICEF sẽ nỗ lực tiếp tục hành động nâng cao kiến thức thực hành nhằm mang lại hiệu quả thực sự to lớn cho trẻ sinh non, nhẹ cân tại Việt Nam, cũng như 13 triệu trẻ em sinh non trên toàn thế giới.