Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 ở Nghệ An: Nâng cao vị thế người phụ nữ

An Yên - 10:58, 08/11/2024

Tập huấn nâng cao năng lực, thành lập tổ nhóm sinh kế, duy trì tổ truyền thông cộng đồng, đối thoại chính sách… đang là những hoạt động trọng tâm của Dự án 8, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I: từ năm 2021-2025 ở Nghệ An. Những hoạt động này đang góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.

Hỗ trợ cơ sở vật chất cho mô hình Địa chỉ tin cậy - Mô hình hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh, được các cấp hội triển khai hiệu quả
Hỗ trợ cơ sở vật chất cho mô hình Địa chỉ tin cậy - Mô hình hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh, được các cấp hội triển khai hiệu quả

Hiệu quả rõ nét

Vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An trải dài trên 12 huyện và thị xã, chiếm đến 83% diện tích toàn tỉnh. Trong số 682.000 hội viên toàn tỉnh thì phụ nữ DTTS có gần 80.000 hội viên. Những năm qua, công tác bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, tính đến ngày 01/10/2024, các chỉ tiêu đã đề ra từ việc thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG 1719 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ vùng đồng bào DTTS.

Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập, duy trì 277 "Tổ truyền thông cộng đồng"; thành lập 7 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0; củng cố, nâng chất lượng, hoặc thành lập mới 34 "Địa chỉ tin cậy cộng đồng"; tổ chức 89 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản; thành lập 38 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị với 95 người; tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới 20 lớp cho cán bộ xã và thôn bản…

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Nghệ An - Hoàng Thị Thanh Minh nhấn mạnh: Kết quả thực hiện Dự án 8 đã góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. 

Các hoạt động của Dự án 8 đã tác động đến nhận thức, thay đổi tư duy của hội viên và người dân, từ đó đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi được cải thiện, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi và được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Theo bà Minh, hoạt động nâng cao năng lực là yếu tố chính nhằm đảm bảo tính bền vững của Dự án, thông qua đó đã giúp cho đội ngũ cán bộ, các nhóm đối tượng đích trong Dự án có đầy đủ kiến thức, sự hiểu biết, các kỹ năng và sự tự tin để thay đổi hành động.

Huyện Quỳ Châu đối thoại với cán bộ, hội viên xã Châu Hội
Huyện Quỳ Châu đối thoại với cán bộ, hội viên xã Châu Hội

Dù mục tiêu của Dự án 8 là mang tính phổ quát chung cho nhóm phụ nữ DTTS. Tuy nhiên, các hoạt động mà Dự án 8 ở Nghệ An đang chú trọng hướng đến với từng nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù (phụ nữ khuyết tật, hộ nghèo, nạn nhân bị bạo lực gia đình, phụ nữ DTTS còn gặp nhiều khó khăn…) giúp họ thay đổi cả về tư duy lẫn hành động, vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ để khẳng định vị thế của mình.

“Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để Hội thực hiện tốt hơn chức năng và nhiệm vụ của tổ chức, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc tại các địa phương”, bà Minh cho hay.

Những kiến giải cho giai đoạn mới

Thực tế cho thấy, việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới vẫn còn một số hạn chế nhất định. Vẫn có sự khác biệt trong các chỉ số phát triển giữa nam và nữ, trong đó, phụ nữ và trẻ em gái DTTS vẫn là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, chịu bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới. Vẫn còn nhiều vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và giải quyết, như sinh đẻ thiếu an toàn, bạo lực gia đình, mua bán người, nạn tự tử, tội phạm và tệ nạn xã hội, di cư lao động không an toàn, những tập tục có hại...

Vì thế, những đầu tư, hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719 theo Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em mang ý nghĩa rất quan trọng.

Thế nhưng, quá trình thực hiện Dự án 8 vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Nghệ An - Hoàng Thị Thanh Minh cho hay: Việc hướng dẫn xây dựng kinh phí thực hiện chậm, thời gian triển khai thực hiện Dự án những năm đầu (năm 2022, 2023, tập trung trong năm 2023), dẫn đến việc triển khai các hoạt động trong những năm tiếp theo cũng bị chậm tiến độ. Một số định mức chi tiêu còn thấp so với yêu cầu triển khai. Một số quy định chưa rõ, dẫn đến lúng túng khi xây dựng dự toán.

Các nội dung hoạt động của Dự án 8, chủ yếu là nâng cao nhận thức thông qua tập huấn, truyền thông... nhưng trong quá trình thực hiện có lúc, có nơi chưa huy động đủ số lượng (do chồng chéo các chương trình).

Cán bộ phụ nữ xã xã Tam Quang huyện Tương Dương thăm hỏi gia đình hội viên Lương Thị Tằm vượt khó vươn lên hoàn cảnh
Cán bộ phụ nữ xã xã Tam Quang huyện Tương Dương thăm hỏi gia đình hội viên Lương Thị Tằm vượt khó vươn lên hoàn cảnh

Khắc phục những khó khăn, vì mục tiêu nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Hội Liên hiệp phụ nữ Nghệ An cho rằng, cần bổ sung, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế tình hình. Đó là, cần bổ sung mục kinh phí duy trì cho "Tổ truyền thông cộng đồng", câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", "Địa chỉ tin cậy cộng đồng".

Bổ sung đối tượng, nội dung thụ hưởng gói chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em đối với phụ nữ người Kinh có chồng là người DTTS cư trú tại các địa bàn khó khăn; kinh phí đi lại cho bà mẹ đưa trẻ 24 tháng tuổi đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế; phụ nữ DTTS sinh con tại nhà có cô đỡ thôn bản, đỡ đẻ đối với các địa bàn xa cơ sở y tế. 

Bổ sung đối tượng thực hiện “Thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người”, bao gồm: “nạn nhân bị mua bán người, bị bạo lực gia đình; phụ nữ di cư lao động không an toàn; phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật” (do thực tế tại các địa phương rất ít/không có/khó xác định đối tượng đủ điều kiện để hỗ trợ)

Bên cạnh đó, Hội Liên Hiệp phụ nữ Nghệ An cũng đề cập đến nhiều nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế triển khai. Trước hết, cần triển khai các gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em và khuyến nghị chính sách trong thời gian tới. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao/chuyên sâu cho các đối tượng cán bộ các cấp gắn với bổ sung nội dung hướng dẫn về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí Dự án 8. Tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm. 

Thay nội dung “Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm tín dụng tự quản” bằng nội dung “Triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo, hỗ trợ nâng cao quyền năng của phụ nữ trong tiếp cận tài chính toàn diện, thúc đẩy giáo dục tài chính cho phụ nữ”.

Đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Dự án trong Quyết định 1719: Ngoài các xã, thôn đặc biệt khó khăn, mở rộng địa bàn thực hiện Dự án 8 tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN để việc thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình được tiếp cận tổng thể và toàn diện, đồng bộ ở hầu hết các xã DTTS&MN, nơi còn có rất nhiều vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em đặt ra, cần tiếp tục can thiệp, hỗ trợ toàn diện và lâu dài… 

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.