Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý đề nghị của Bộ Ngoại giao giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối phụ trách Công ước và soạn thảo, chuẩn bị Báo cáo quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã ban hành Quyết định thành lập Tổ soạn thảo Báo cáo quốc gia gồm 26 thành viên là đại diện các bộ, ngành liên quan và phê duyệt kế hoạch xây dựng Báo cáo quốc gia.
Báo cáo về tiến trình xây dựng báo cáo tình hình thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Trần Chi Mai cho biết, báo cáo được xây dựng toàn diện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cơ quan Đảng, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân. Các dự thảo báo cáo cũng đã được đăng công khai để lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc...
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Văn Hùng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, việc hoàn thiện Báo cáo quốc gia Việt Nam thực hiện công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ bảo vệ thành quả của Việt Nam, mà còn là cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động. Việt Nam đã đạt được thành tựu giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội… cho đồng bào DTTS. Đó là những nỗ lực rất lớn cần thể hiện rõ trong báo cáo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã góp ý nhiều ý kiến để hoàn thiện báo cáo, trong đó nhấn mạnh đến những thành tựu trong việc đảm bảo quyền cho người DTTS, như: hệ thống pháp luật, các quy định đảm bảo quyền con người, các chính sách cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội... nhằm đảm bảo quyền và thúc đẩy thực thi quyền cho đồng bào DTTS; đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, dân tộc…