Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Việt Nam trước nguy cơ xâm nhập của virus Marburg

PV - 15:22, 19/02/2023

PGs.Ts. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, nếu bệnh do virus Marburg xâm nhập vào Việt Nam qua con đường nhập cảnh, nguy cơ virus lây nhiễm, bùng phát tại nước ta là thấp.

Bệnh nhân nhiễm virus Marburg được điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Uige, Angola. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bệnh nhân nhiễm virus Marburg được điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Uige, Angola. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo PGs.Ts. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), đây là virus lây từ động vật sang người, không phải là bệnh mới.

Lần đầu tiên ghi nhận virus này lây sang người là ở Đức vào năm 1967. Vào thời điểm đó, một số khỉ bị nhiễm bệnh được nhập từ châu Phi đã gây ra các đợt bùng phát tại nhiều phòng thí nghiệm ở Marburg, Frankfurt (Đức) và Belgrade (thủ đô của Nam Tư khi đó, nay thủ đô là Serbia), khiến 7 người tử vong.

Đặc điểm của virus Marburg khi lây bệnh thì có tỷ lệ tử vong cao, thậm chí lên tới hơn 80%. Năm 2004, virus này bùng phát ở Angola và lây nhiễm cho 252 người, 90% trong số họ đã tử vong. Ghana cũng đã báo có về một đợt bùng phát nhỏ trong năm 2022 với 2 trường hợp tử vong.

Cũng chia sẻ về dịch bệnh này, Ts.Bs. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay với người mắc bệnh, đây là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, nhưng đối với cộng đồng, bệnh do virus Marburg gây ra không có nhóm bệnh triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

"Căn bệnh này khó có thể lan rộng như những bệnh có nhóm triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng", ông Cấp nói.

Về nguy cơ xâm nhập của virus Marburg vào Việt Nam, theo chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu, virus này lây chủ yếu qua tiếp xúc và dịch tễ, lưu hành ở châu Phi nhiều năm nay, lây lan ra các quốc gia ở các châu lục khác đều rất hiếm, ngoại trừ khi có các ca bệnh mắc ở châu Phi về thì quốc gia đó ghi nhận những ca xâm nhập.

Nếu bệnh có vào Việt Nam thì qua con đường nhập cảnh, nên nguy cơ virus lây nhiễm, bùng phát về nước ta là thấp.

"Nếu không tiếp xúc với người bệnh thì không có khả năng lây bệnh. Tuy nhiên, chúng ta phải làm tốt công tác phòng bệnh như kiểm soát người từ châu Phi về. Nếu có ca xâm nhập từ châu Phi về, người dân khi có triệu chứng bệnh cần phải báo ngay y tế địa phương, cơ sở y tế để có biện pháp cách ly ngay, tránh để lây lan ra cộng đồng”, ông Phu nói.

Với Ts.Bs. Nguyễn Trung Cấp, ông cho biết bệnh nhân khi nhiễm virus Marburg thường nặng, nằm bệt một chỗ, nên sẽ khó lây hơn, nhất là trên phạm vi vùng, quốc gia. Tỷ lệ lây virus Marburg thấp hơn so với nhóm bệnh có thời gian ủ bệnh dài hoặc bệnh không có triệu chứng.

Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bệnh do virus Marburg gây ra có biểu hiện ban đầu giống như sốt virus thông thường như: Sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mỏi cơ khớp, buồn nôn…

Sau đó bệnh nặng lên, có thể có rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, tử vong tương đối nhanh trong vòng 7 ngày, tương tự như virus Ebola. Người nhiễm virus này thường có triệu chứng và được cách ly theo quy định, nên khả năng bị lây của người Việt Nam do tiếp xúc từ người bệnh cũng thấp.

Virus Marburg lây truyền thông qua tiếp xúc ngoài da, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng có virus, lây qua dịch tiết như máu hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân cũng có nguy cơ lây nhiễm...

Virus Marburg hiện chưa có vaccine phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nặng là tử vong. Vì vậy, quan trọng nhất trong phòng bệnh là tránh tiếp xúc với người mắc bệnh, vệ sinh bề mặt bị vấy bẩn, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.

Ông Trần Đắc Phu khuyến cáo, tuy virus Marburg chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng người dân không nên chủ quan, cũng như không quá hoang mang, lo lắng, quan ngại. Mọi người cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành Y tế để chủ động phòng, chống căn bệnh này.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, bệnh do virus Marburg chưa xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên người dân cần cảnh giác, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hy vọng sẽ sớm tiến hành thử nghiệm vaccine Marburg ở Guinea Xích Đạo và đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để đánh giá một số ứng cử viên vaccine khả thi có thể được sử dụng trong đợt bùng phát virus Marburg ở Guinea Xích Đạo.

Tin cùng chuyên mục