Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường hiện đang là thách thức trên toàn cầu, việc phát triển kinh tế bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh là hết sức cần thiết. Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tại Vĩnh Long là một bước đi tiên phong, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự đổi mới sáng tạo của địa phương.
Sự kiện này không chỉ thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống, mà còn tôn vinh giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, bản sắc độc đáo của vùng đất Vĩnh Long anh hùng, quyết tâm chuyển mình, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là cơ hội để Vĩnh Long giới thiệu hình ảnh về một nền kinh tế xanh, bền vững, điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để thể hiện sự tôn vinh những thế hệ đi trước đã tạo ra sản phẩm gạch, gốm đỏ.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kỳ vọng, thời gian tới, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn sẽ vươn xa ra thế giới. Vĩnh Long sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có để xây dựng tỉnh ngày giàu đẹp. Đồng thời là hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển bền vững, khẳng định vị thế địa chính trị, kinh tế trong khu vực và cả nước, xứng đáng với tên gọi Vĩnh Long đã danh xưng là mãi mãi giàu có, thịnh vượng.
Tại lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết: Sự kiện này tiếp tục tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ trên 100 năm nay. Nơi đây còn là vùng đất với những con người phóng khoáng, mộc mạc, chân tình của vùng đất trung tâm Tây Nam Bộ trong cái nôi chung gắn kết các vùng, miền trong cả nước cùng kiến tạo, phát triển; là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này; và hơn hết đây là kết tinh của mong ước “Vương quốc gạch gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đến với mọi miền đất nước.
Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ I năm 2024 nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế khai thác du lịch của làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít và hoạt động xúc tiến, liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó tôn vinh những đóng góp vì sự phát triển nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững kinh tế xanh Đồng bằng sông Cửu Long.
“Thông qua Festival, tỉnh Vĩnh Long mong muốn mang đến thông điệp mạnh mẽ về cam kết trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đồng thời xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch. Tỉnh tập trung phát triển làng nghề gắn với phát huy các giá trị văn hóa nền văn minh lúa nước của vùng sông nước đặc sắc và bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra không gian và động lực phát triển mới để phát triển nhanh và bền vững”, ông Bùi Văn Nghiêm nói.
Tại lễ khai mạc, UBND tỉnh Vĩnh Long công bố Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Đồ án nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dưng một nơi bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch gốm" với lịch sử hàng trăm năm. Dịp này, Vĩnh Long trao giải Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long - cuộc thi nhằm lựa chọn những ý tưởng để hoàn thành Đề án xây dựng bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tại tỉnh Vĩnh Long.
Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 diễn ra từ 16 - 23/11, với nhiều hoạt động như hội chợ, triển lãm Công Thương, Nông nghiệp, Du lịch; Các hoạt động hội nghị, hội thảo, hội thi của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hoá, Thể thao và Du lịch liên quan Kinh tế xanh, phát triển bền vững.