Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ giúp nông nghiệp sinh thái “cất cánh”

Vân Khánh - 19:42, 28/04/2023

Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm sạch, hữu cơ đang là xu hướng tất yếu của thị trường hiện nay. Nhằm bắt kịp xu thế trên và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời đặt ra mục tiêu hướng đến phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, qua đó giúp người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Mô hình trồng cây ăn quả tại xã Bồ Lý, Tam Đảo giúp nhiều hộ dân đồng bào DTTS thoát nghèo.
Mô hình trồng cây ăn quả tại xã Bồ Lý, Tam Đảo giúp nhiều hộ dân đồng bào DTTS thoát nghèo

Định hướng đúng đắn

Triển khai Nghị quyết số 19 của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 28, chỉ đạo ngành Nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hướng thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng của từng địa phương.

Kế hoạch đề ra các hướng, giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Trong đó, định hướng, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Khuyến khích phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, chăn nuôi được định hướng phát triển thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu nông nghiệp theo hướng trang trại công nghiệp, áp dụng KHCN chăn nuôi an toàn sinh học, có địa chỉ truy xuất nguồn gốc và đầu ra ổn định. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh. Hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung, tích cực đầu tư, áp dụng KHCN trong nuôi trồng thủy sản, nâng cao chất lượng con giống truyền thống, nghiên cứu giống đặc sản để xây dựng thương hiệu cá giống của tỉnh. Đồng thời, tăng cường quản lý, phát triển và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Gắn công tác bảo vệ rừng với phát triển kinh tế rừng, từng bước hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ cao cấp, có thương hiệu trên thị trường.

Nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả

Tam Đảo là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc với gần 50% là đồng bào DTTS, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp chính quyền của huyện Tam Đảo đã triển khai nhiều chương trình, dự án, giải pháp nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Vĩnh Phúc triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp sinh thái.
Vĩnh Phúc triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp sinh thái

Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp tại địa phương phát huy hiệu quả. Điển hình như mô hình hợp tác xã trồng na dai theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP tại xã Bồ Lý đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình hoạt động, hợp tác xã đã làm tốt các khâu kỹ thuật, đầu ra, quảng bá sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đến nay, sản phẩm xuất ra thị trường đều có tem nhãn truy xuất nguồn gốc và được kiểm soát quy trình chặt chẽ. Từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, giá trị kinh tế na dai Bồ Lý được nâng cao, thị trường mở rộng, không chỉ cung cấp cho các thương lái trong tỉnh mà còn được tiêu thụ trong các hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Hay mô hình trồng cây dược liệu quý được nhân rộng tại địa bàn huyện Tam Đảo.

Ông Lý Văn Thủy, người dân tộc Sán Dìu, tại thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù cho biết, nhận thấy nguy cơ cây thuốc trên rừng ngày càng cạn kiện, ông đã phát triển trồng ở vườn nhà và trên đồi. Sau nhiều năm phát triển, nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, giờ đây gia đình ông Thuỷ sở hữu vườn cây dược liệu lớn với đủ loại cây thuốc quý. Các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu hằng năm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Thủy.

Nhằm giúp người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền huyện Tam Đảo thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ bà con phân bón, giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao.

Với những định hướng đúng đắn nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng KHCN, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường. Tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành một trong những địa phương có nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần đưa sản phẩm vươn tầm quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Nhằm góp phần đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhanh, bền vững, ngày 19/7/2021, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Bộ KH&CN đã ký Chương trình phối hợp số 1900/CTr-BKHCN-UBDT (CTPH) giai đoạn 2021-2030. Việc phối hợp đã góp phần tham mưu có hiệu quả cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, biện pháp về KH&CN để góp phần triển khai tổ chức thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi...