Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vĩnh Phúc: Tăng cường chuyển đổi số trong thực hiện chính sách dân tộc

Vân Khánh - 21:47, 01/11/2023

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chuyển đổi số, trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt nhịp xu thế đó, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

Chuyển đổi số đã lan tỏa trong các ngành, các lĩnh vực của tỉnh Vĩnh Phúc. (Trong ảnh: Điện lực Vĩnh Phúc cung cấp dịch vụ điện trực tuyến qua cổng thông tin dịch vụ công của Vĩnh Phúc)
Chuyển đổi số đã lan tỏa trong các ngành, các lĩnh vực của tỉnh Vĩnh Phúc. (Trong ảnh: Điện lực Vĩnh Phúc cung cấp dịch vụ điện trực tuyến qua cổng thông tin dịch vụ công của Vĩnh Phúc)

Từ nền tảng công nghệ thông tin…

Từ năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai Quyết định số 414/ QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đồng bào DTTS của tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Vĩnh Phúc, hiện hệ thống CNTT của tỉnh Vĩnh Phúc đã được triển khai đầu tư, nâng cấp đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các ứng dụng nền tảng để hướng tới Chính phủ điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. 100% văn bản (trừ văn bản mật) được lưu chuyển trên phần mềm; thư điện tử công vụ được cấp cho 100 % cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ công tác.

Đáng chú ý, hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 169 đơn vị, địa phương, đồng bộ đến cấp xã (trong đó có 40 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi). Hạ tầng cáp quang được doanh nghiệp triển khai đến 136 xã, phường, thị trấn (gồm có 40 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi) đã giúp trang bị và nâng cấp nền tảng CNTT phục vụ công tác nói chung và công tác dân tộc nói riêng.

Đặc biệt, trong các nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin, tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, các địa phương nghiên cứu tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Bộ dữ liệu về các DTTS. Bộ dữ liệu tập trung vào các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các DTTS; các sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS; thông tin địa lý vùng DTTS có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện. Đồng thời, xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bảo DTTS; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào DTTS...

Công nghệ số đã giúp 155/155 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp điện tử. (Trong ảnh: Hướng dẫn lấy phiếu tại Trung tâm y tế huyện Yên Lạc)
Công nghệ số đã giúp 155/155 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp điện tử. (Trong ảnh: Hướng dẫn lấy phiếu tại Trung tâm y tế huyện Yên Lạc)

… Đến chuyển đổi số

Từ nền tảng CNTT đã có, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Quá trình chuyển đổi số toàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh nói riêng đã được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực.

Theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Phúc, trong lĩnh vực chính quyền số, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số. Tính đến tháng 5/2023, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đạt 36,18 %; cấp huyện, thành phố đạt 98,76%.

Chuyển đổi số cũng lan tỏa trong các ngành, các lĩnh vực của tỉnh. Đơn cử, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành; hiện 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẵn sàng triển khai nền tảng dạy học trực tuyến khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Hoặc với ngành Y tế, công nghệ số đã giúp 155/155 cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp điện tử; 95,5% dân số của tỉnh được lập và quản lý hồ sơ sức khỏe trên phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe; 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt…

Ứng dụng công nghệ đang giúp Vĩnh Phúc từng bước hình thành nền nông nghiệp 4.0, phát triển theo hướng hiện đại, toàn diện, bền vững. (Trong ảnh: Mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm thông minh tại huyện Yên Lạc - Ảnh: Thế Hùng)
Ứng dụng công nghệ đang giúp Vĩnh Phúc từng bước hình thành nền nông nghiệp 4.0, phát triển theo hướng hiện đại, toàn diện, bền vững. (Trong ảnh: Mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm thông minh tại huyện Yên Lạc - Ảnh: Thế Hùng)

Đối với lĩnh vực công tác dân tộc, tính đến tháng 9/2023, việc gửi, nhận văn bản điện tử được thực hiện liên thông, đồng bộ có hiệu quả; 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công tác dân tộc được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Các ứng dụng dùng chung của tỉnh như: Thư điện tử công vụ; phần mềm quản lý văn bản điều hành; chứng thư số; phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai đầy đủ, góp phần, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành có hiệu quả, thúc đẩy tạo nền tảng, cơ sở cho hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số của tỉnh.

Tại Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2023 của Ban Dân tộc tỉnh diễn ra ngày 29/9, ông Hoàng Anh - Phó Trưởng ban phụ trách cho biết, tính đến hết tháng 9, cơ bản Ban Dân tộc tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số năm 2023 theo Quyết định số 1041/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh. Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT, ứng dụng có hiệu quả các nền tảng chính quyền điện tử; nâng cấp hoàn thiện, chia sẻ, tích hợp các phần mềm chuyên ngành nhằm kịp thời triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số ở lĩnh vực công tác dân tộc góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số chung của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Phú Bình (Thái Nguyên): Phát huy hiệu quả vai trò Người có uy tín trong cộng đồng

Phú Bình (Thái Nguyên): Phát huy hiệu quả vai trò Người có uy tín trong cộng đồng

Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách đối với Người có uy tín, huyện Phú Bình đã phát huy hiệu quả vai trò trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân.