Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Vực Hòm - Tuyệt tác của thiên nhiên

Hoàng Hà Thế - 09:25, 30/03/2025

Vừa qua, tôi có dịp theo chân nhóm văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, đi về huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để thực tế tìm cảm hứng sáng tác với chủ đề: “Về miền di sản Tuy An”. Riêng tôi, với góc nhìn về mỹ thuật, thì thác Vực Hòm có nét đẹp “hút hồn” riêng.

Thác Vực Hòm (thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, Phú Yên)
Thác Vực Hòm (thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, Phú Yên)

Vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ

Thác Vực Hòm Phú Yên nằm đầu nguồn một con suối lớn ở thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh (huyện Tuy An). Thác Vực Hòm là một thác nước hoang sơ tuyệt đẹp, nép mình bên những cột đá bazan cao to xếp chồng lên nhau, có cấu trúc giống như Di tích Quốc gia Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An). Đây chính là một điểm trong chuỗi di sản văn hóa đã và đang “hút hồn” nhiều du khách đến để chiêm ngưỡng.

Có nhiều cách để đi đến thác Vực Hòm, nhưng hầu hết du khách và chúng tôi đều chọn lộ trình đến tham quan Địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An). Sau đó đi theo tuyến đường DT634 Vân Hòa - Nhà thờ Bác Hồ, về hướng xã An Lĩnh… Đi thêm gần 7km nữa đến cuối đường bê tông liên thôn Vĩnh Xuân của xã An Lĩnh, huyện Tuy An, rồi đi bộ khoảng 1km đường rẫy như lòng suối cạn, đá nhỏ, đá to, gập ghềnh… để đến thác Vực Hòm.

Theo sách “Địa chí huyện Tuy An xuất bản năm 2021 mô tả: “Phía trên vực có tảng đá dựng đứng cao tới 30 mét, rộng khoảng 40 mét; nước từ suối Dòng Rọ đổ xuống thành vực sâu…”. Cách đấy khoảng gần 1km còn có Vực Song, nhưng vì thời gian không cho phép nên chúng tôi không “mục sở thị” được.

Thác Vực Hòm trong mùa khô - Ảnh: H.H. THẾ
Thác Vực Hòm trong mùa khô - Ảnh: H.H. THẾ

Theo các Giáo sư, Phó Giáo sư Trường Đại học Mỏ - Địa chất Việt Nam, nhận định: Cách đây hàng triệu năm, từ miệng các ngọn núi lửa phun lên nham thạch rơi xuống, gặp nước biển, lạnh đột ngột. Các nham thạch đó tạo thành những vỉa đá (cột đá, tảng đá) hình thù khác nhau (lục giác, ngũ giác…) là “tùy duyên” của tạo hóa…

Theo anh Bùi Văn Thành, người con quê hương Tuy An, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Yên, nay là Chi hội trưởng Chi hội Văn học tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Danh thắng thác Vực Hòm có tiềm năng phát triển về du lịch sinh thái khá phong phú. Do vậy, thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch tại địa điểm này. Qua đó tạo điều kiện để kết nối, hình thành chuỗi du lịch lịch sử cách mạng, tâm linh, sinh thái các xã miền núi ở phía Tây của huyện Tuy An với các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh”.

Nhóm Văn nghệ sĩ Phú Yên check in tại thác Vực Hòm (thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An)- Ảnh: H.H. THẾ
Nhóm Văn nghệ sĩ Phú Yên check in tại thác Vực Hòm (thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An)- Ảnh: H.H. THẾ

Tuyệt tác của thiên nhiên

Không riêng bản thân tôi mà hầu như du khách và các thành viên… khi đặt chân đến thác Vực Hòm đều xuýt xoa trước phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ của thác Vực Hòm. Có thể nói đây là tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho Tuy An nói riêng và Phú Yên nói chung. Chân thác là một hồ rộng có hình trái tim, theo người dân ở thôn Vĩnh Xuân làm rẫy nơi đây cho biết: “Vào những ngày nhiều nắng, nước hồ sẽ xanh lung linh, tuyệt đẹp. Hồ này khá rộng, nước mát nên rất có ích cho chúng tôi trong sinh hoạt đời sống và lao động sản xuất…”.

Trong cái nắng dịu nhẹ tháng Ba cuối xuân, lan tỏa cả không gian thác Vực Hòm, với mặt nước rộng chừng 500m² trong xanh như màu ngọc bích, cùng với gam màu nâu - đen; nâu - xám; nâu - xanh rêu… của vách đá hòa quyện với “điểm nhấn” của dòng nước ở độ cao 20m đổ xuống như dải lụa trắng trong pha lê tung bọt trắng xóa… Theo đó, những tia nắng xen chiếu vào giữa dòng nước tạo ra nét lung linh bảy sắc cầu vồng, hòa với màu xanh tươi của cây cỏ núi rừng, đã tô thêm nét đẹp “sơn thủy hữu tình” của quần thể thác Vực Hòm. Do sự bào mòn của nước qua hàng triệu năm nên vực khoét sâu vào núi đá, tạo thành hang động lớn như hàm ếch sâu hoắm trông rất hoang sơ và huyền bí… Tất cả chúng tôi đều thừa nhận: “Thác Vực Hòm là tuyệt tác của thiên nhiên…”.

Dã ngoại bên bờ thác Vực Hòm. Ảnh: Tabalo Outdoor.
Dã ngoại bên bờ thác Vực Hòm. Ảnh: Tabalo Outdoor

Các anh chị ở Chi hội Nhiếp ảnh không bỏ lỡ cơ hội cho dù có mệt mỏi, nhưng trước phong cảnh này đều “ngứa nghề”, liền tác nghiệp để không bỏ lỡ thời gian của ánh sáng với phong cảnh nơi đây.

Còn nữ họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà, Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật Phú Yên thì chọn ngay một góc của thác Vực Hòm, đặt giá vẽ để phác thảo bố cục phong cảnh. Theo họa sĩ Ngọc Hà: “Phải tranh thủ vẽ khi còn ánh sáng tương tác vào cảnh vật… lúc về nhà sẽ hoàn thiện tác phẩm!”.

Họa sĩ Võ Tấn Hoàng chia sẻ: “Nếu có điều kiện thì anh và một số họa sĩ nên đến thác Vực Hòm ở lại để sáng tác và nắm bắt tỉ mỉ từng khoảnh khắc thời gian để “đẩy chín” toàn cảnh thác Vực Hòm… trên khuôn khổ tranh lớn mới lột tả hết nét đẹp toàn cảnh nơi đây”.

Với tôi, Vực Hòm thực sự là một bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng, một di sản giá trị của huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trong tương lai, danh thắng này sẽ được nhiều du khách biết đến nhiều hơn để có dịp đến thưởng ngoạn.

Tin cùng chuyên mục
Sắc hoa mộc miên trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Sắc hoa mộc miên trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, Cao nguyên đá Đồng Văn - nơi biên cương địa đầu Tổ quốc - khoác lên mình tấm áo rực đỏ của hoa mộc miên. Khung cảnh rực rỡ ấy trở thành điểm hẹn lý tưởng, thu hút du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng và khám phá vẻ đẹp miền biên viễn.