Nước từ thượng nguồn đổ về, nhiều khu dân cư ở xã Anh Sơn đã bị ngập lụt. (Ảnh: CTV)Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua cùng với thủy điện xả lũ, nước ở thượng nguồn Sông Lam đã ở mức cao, có nơi vượt mức báo động 3.
Theo số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vào hồi 1h ngày 23/9:
Tại trạm Mường Xén là 145,89m (1h ngày 23/7), trên báo động báo động 3 mức 3,89m, vượt lũ lịch sử năm 2011 (145,49m) là 0,4m;
Tại trạm Thạch Giám 75,73m, trên báo động 3 mức 6,73m, vượt lũ lịch sử năm 2018 (71,82m) mức 3,91m;
Tại trạm Con Cuông 33,20m, trên báo động 3 mức 2,7m, vượt lũ lịch sử năm 1975 (32,54m) 0,66m;
Tại trạm Dừa 21,30m, trên báo động 1 mức 0,8m;
Tại trạm Nam Đàn còn dưới báo động 1.
Hiện nước lũ trên sông Lam đang có xu hướng giảm dần ở thượng nguồn và tăng dần ở vùng hạ lưu. Theo chuyên gia nhận định từ chiều 24/7 đến ngày 25/7, mực nước ở vùng hạ du sông Lam sẽ tăng mạnh. Đỉnh lũ hạ lưu sông Lam tại trạm Nam Đàn có thể lên mức báo động 3.
Hơn 100 hộ dân ở xã Anh Sơn đã phải sơ tán tránh lũ trong đêm 23/4. (Ảnh: Hoàng Bảo)Để chủ động ứng phó với ngập lụt, các xã Thiên Nhẫn, Vạn An, Kim Liên (huyện Nam Đàn cũ) cần chủ động ứng phó. Vùng trũng thấp, cần có kịch bản di dời dân đến nơi ở an toàn, tránh trường hợp bị động khi lũ về.
Đặc biệt là xã Thiên Nhân, với đặc thù có nhiều khu dân cư nằm ở gần hạ lưu nhánh sông La (Hà Tĩnh) và hạ lưu sông Lam (Nghệ An) nên việc chủ động ứng phó với ngập lụt cần được đặc biệt quan tâm.
Chính quyền địa phương ở Thiên Nhẫn cần cần khảo sát, kiểm tra các điểm xung yếu để gia cố. Đồng thời lập kịch bản bản chi tiết để sẵn sàng ứng phó theo cấp độ rủi ra thiên tai khi lũ từ thượng nguồn đổ về.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hồ Tiến - Chủ tịch UBND xã Thiên Nhẫn, cho biết: “Hiện địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã. Trước đó, chính quyền địa phương đã lập đoàn kiểm tra các điểm xung yếu, vùng trũng thấp để chủ động ứng phó khi lũ về”.
Các xã Lam Thành, Hưng Nguyên Nam (huyện Hưng nguyên cũ) cũng được xác định là vùng nguy cơ cao trong đợt lũ này. Dù đến sáng nay (24/7) trời đã hửng nắng nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Lũ từ thượng nguồn được dự báo là chiều nay và ngày mai (25/7) mới đổ về tới. Do đó, người dân và chính quyền địa phương phải chủ động để đảm bảo tính mạng và tài sản.
Tại xã Đô Lương, lực lượng chức năng cùng người dân đã chủ động di dời người và tài sản để tránh lũ. (Ảnh: CTV)Còn đối với xã Lam Thành, là địa phương có nhiều khu dân cư ở ngoài đê sông Lam. Do đặc thù ngoài đê, địa phương cần chuẩn bị thuyền, thuyền máy, ca nô để sẵn sàng ứng cứu người dân khi lũ lên. Đồng thời bố trí trụ sở kiên cố của các cơ quan như trường học, ủy ban… để đón người dân tránh trú khi cần thiết.
Mực nước trên sông Lam ở Cầu Rạng (Thanh Chương) cũng đã bắt đầu lên cao. (Ảnh: Phạm Tiến)Hiện các địa phương vùng trung du sông Lam như Con Cuông, Anh Sơn… đã có nhiều vùng ngập sâu trong nước. Tối qua (23/7), chính quyền địa phương xã Anh Sơn đã phải di dời người dân trong đêm để chạy lũ.
Sáng nay (24/7), ở Đô Lương lũ cũng đã lên. Nhiều vùng ở Đô Lương đã ngập vào nhà dân. Do đó, các địa phương ở vùng hạ lưu sông Lam như xã Thiên Nhẫn, Vạn An, Kim Liên (huyện Nam Đàn cũ) và xã Lam Thành, Hưng Nguyên Nam (huyện Hưng nguyên cũ) cần chủ động từ sớm, phòng từ xa. Việc chủ động ứng phó có ý nghĩa then chốt trong việc hạn chế thiệt hại.