Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

“Vùng trũng” trong hoạt động thể thao dân tộc

PV - 14:59, 15/02/2019

Những năm qua, nhiều chính sách đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ phát triển thể dục thể thao đối với đồng bào các DTTS đã được triển khai, nhất là chú trọng bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc. Tuy nhiên, đây vẫn là “vùng trũng” trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động thể dục thể thao trong cả nước.

Tự thân vận động!

Một trong những môn

thể thao dân tộc được đồng bào các DTTS ưa thích là đẩy gậy. Đây vừa là môn thể thao truyền thống, vừa là trò chơi dân gian. Môn thể thao này ngoài tăng cường thể lực còn giúp người chơi rèn luyện tinh thần, nâng cao ý chí bản thân.

Từ năm 2005, Ủy ban Thể dục Thể thao (nay là Tổng cục Thể dục Thể thao-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Luật thi đấu đẩy gậy và được các địa phương hưởng ứng. Trong Hội thi thể thao các DTTS toàn quốc (2 năm tổ chức một lần), đẩy gậy là môn thể thao chính trong chương trình thi đấu. Đặc biệt, đẩy gậy đã được đưa vào chương trình thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng các cấp và Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc.

Đẩy gậy là môn thể thao được nhiều người ưa thích. Đẩy gậy là môn thể thao được nhiều người ưa thích.

Dù vậy, hiện môn đẩy gậy vẫn là một môn thể thao phong trào chứ chưa phải là môn thể thao thành tích cao. Do đó, để tập luyện và thi đấu, các vận động viên (VĐV) vẫn phải… tự thân vận động là chính, chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính sách đãi ngộ như một VĐV thành tích cao để tập luyện và phát triển.

Lờ A Chua là VĐV đẩy gậy của đoàn thể thao TP. Việt Trì (Phú Thọ). Năm 2017, anh đoạt Huy chương Vàng môn đẩy gậy ở hạng cân 52kg tại Đại hội Thể thao cấp tỉnh. Nhưng như chia sẻ của anh, trước giải đấu, anh chủ yếu duy trì tập luyện ở nhà. Ngoài ra anh phải đăng ký thi đấu tại các hội làng để rèn luyện thêm.

“Em rất mong các cấp, ngành tổ chức nhiều hơn nữa các giải thi đấu có những môn thể thao dân tộc để chúng em có dịp thi đấu, cọ xát, học tập kinh nghiệm lẫn nhau”, anh Chua tâm sự.

Cũng như môn đẩy gậy, bắn nỏ cũng là một trong những môn thể thao dân tộc được đồng bào các DTTS ưa thích. Gắn liền với đời sống săn bắn thuở xa xưa, chiếc nỏ là vũ khí tự vệ, nay trở thành công cụ thể thao; bắn nó trở thành môn thể thao chính tại các Đại hội Thể dục Thể thao của các địa phương.

Nhưng cũng như các VĐV đẩy gậy, các VĐV bắn nỏ đều tự tập luyện để tham gia thi đấu. Kỹ năng cũng như kinh nghiệm của các VĐV đều theo hình thức tự tích lũy và theo hình thức “cha truyền con nối”.

Đơn cử như trường hợp VĐV Bùi Thị Thúy, dân tộc Mường, thuộc đoàn thể thao huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Năm 2018, Thúy đoạt Huy chương Đồng môn bắn nỏ tại Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Hòa Bình lần thứ VI.

Theo VĐV Bùi Thị Thúy, bắn nỏ là môn thể thao đặc thù. Ngoài việc VĐV phải thường xuyên tự thân rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm thì cần được tham gia thi đấu thường xuyên để nâng cao kỹ năng. Nhưng hiện nay, các VĐV hầu hết chỉ tham gia thi đấu trong các hội làng, ngoài ra cũng chỉ được “trình diễn” trong các ngày lễ, Tết hay Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc.

Cần chú trọng đầu tư

Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co,… vốn dĩ là những trò chơi dân gian, theo thời gian đã trở thành những môn thể thao dân tộc hấp dẫn, thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng Nhân dân. Hiện nay, các môn thể thao này không chỉ phát triển tại các tỉnh miền núi nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống mà đã phát triển ra các thành phố lớn.

Bắn nỏ là môn thể thao gắn liền với văn hóa truyền thống của người dân vùng cao. Bắn nỏ là môn thể thao gắn liền với văn hóa truyền thống của người dân vùng cao.

Nhưng có một thực tế, các môn thể thao này dù có sức ảnh hưởng, điều kiện thi đấu không quá cầu kỳ, đòi hỏi chi phí đầu tư cao nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở phong trào. Các môn thể thao này thường chỉ xuất hiện nhiều sau Tết Nguyên đán, tại các lễ hội đầu Xuân. Sau khi hết hội thì các môn thể thao này lại chìm vào khoảng trống đáng suy ngẫm.

Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu phải có khu thể thao (cấp xã, cấp thôn) đã được quy định. Đến thời điểm này, rất nhiều địa phương đã đạt chỉ tiêu này, tức là có điều kiện sân bãi để phục vụ cho tập luyện, giao lưu thi đấu thể dục thể thao thường xuyên. Nhưng không khó để nhận thấy, các khu thể thao (cấp thôn, cấp xã) thường xuyên để trống, rất ít hoạt động diễn ra tại đây.

Một trong những nguyên nhân khiến các môn thể thao dân tộc dù rất được nhiều người ưa thích nhưng chưa phát triển xứng tầm là do nhiều địa phương vẫn xem thể dục thể thao là hoạt động giải trí, đầu tư cũng được, không đầu tư cũng được. Vì thế, việc bố trí nguồn lực cho hoạt động thể dục thể thao ở các địa phương miền núi thường rất ít.

Chính phủ đã ban hành các quy định yêu cầu địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để phát triển thể dục thể thao miền núi, nhất là các môn thể thao dân tộc. Đặc biệt, Điều 2 khoản 4, Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thể dục thể thao quy định “Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển thể dục thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc. Nội dung ưu tiên đầu tư là: tổ chức hoạt động thể dục thể thao quần chúng, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, tuyên truyền, hướng dẫn tập luyện các môn thể thao, xây dựng cơ sở hạ tầng của trung tâm thể dục thể thao vùng, khu vực, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc”.

Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm xây dựng kế hoạch đầu tư cho các môn thể thao dân tộc dựa trên tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Mặt khác, tổ chức các giải thi đấu riêng với từng bộ môn cụ thể, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhiều VĐV; qua đó, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.