Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Vượt qua “cái chết trắng” trở thành tuyên truyền viên

PV - 10:33, 25/09/2018

Đã từng vấp ngã trong cuộc đời, song anh Lưu Văn Toàn ở bản Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã quyết tâm cai nghiện ma túy thành công. Không những vậy, sau khi cai nghiện, anh đã trở thành tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng chống ma túy trên địa bàn.

Anh Lưu Văn Toàn hạnh phúc bên vợ con. Anh Lưu Văn Toàn hạnh phúc bên vợ con.

Những ngày này, trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Lưu Văn Toàn luôn đầy ắp tiếng cười. Bà con dân bản đến thăm gia đình sau nhiều ngày anh Toàn đi tuyên truyền phòng, chống ma túy cùng các đồng chí Công an huyện.

Theo lời anh Toàn kể, 24 tuổi, anh cùng một số thanh niên bản vào rừng khai thác gỗ. Sống trong rừng lâu ngày, vất vả, buồn chán nên anh theo lời rủ rê của các phu gỗ dùng thử chất bột trắng rồi anh nghiện ma túy lúc nào không hay. Từ một thanh niên điển trai, khỏe mạnh, ma túy đã biến anh thành “thân tàn ma dại”, gia đình gần như suy sụp từ kinh tế đến tinh thần.

Anh Toàn tâm sự, bây giờ nghĩ lại mới thấy xấu hổ. Từ ngày sa vào con đường nghiện ngập, trong đầu anh luôn nghĩ mọi cách kiếm tiền bất chính để mua ma túy. Đã nhiều lần chính quyền và lực lượng công an khuyên nhủ, răn đe nhưng không thể vượt qua chính mình được. Cuộc đời cứ thế trượt dài trong lầm lỗi, đi đâu người dân cũng xa lánh, dè bỉu và khinh bỉ…

Lối rẽ trở thành bước ngoặt cuộc đời của anh Lưu Văn Toàn, đó là anh gặp được chị Vi Thị Thảo ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Thương cuộc sống “bất bơ” của anh, chị Thảo đã quan tâm và chăm sóc anh khi đau ốm. Chị Thảo đã lấy tình thương để cảm hóa anh. Bằng hành động, lời khuyên nhủ có tình, có lý nên anh đã nghe theo. Năm 2005, anh chị đã trở thành vợ chồng. Có vợ rồi sinh con là động lực để anh trở về con đường hoàn lương. Năm 2011, với sự động viên của gia đình, anh quyết định tự nguyện đi cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội II Nghệ An ở Lèn Dơi, thuộc địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.

Những ngày sống ở Trung tâm cai nghiện, anh phải trải qua những cơn vật vã do thèm thuốc, nhưng rồi nghĩ về gia đình, anh đã nỗ lực vượt qua. Qua 2 năm quyết tâm cai nghiện, đến năm 2013, anh Toàn đã hoàn toàn đoạn tuyệt được với ma túy.

Trở về với gia đình, anh Lưu Văn Toàn dành toàn tâm, toàn ý chăm lo cho gia đình, cố gắng lao động kiếm tiền để đỡ đần vợ nuôi con nhỏ. Anh Toàn nói rằng, anh nợ gia đình và xã hội nhiều lắm, vì vậy bản thân luôn mong muốn sẽ làm được việc gì đó có ích cho gia đình và xã hội. Để biến suy nghĩ của mình thành hiện thực, anh Toàn đã chăm chỉ lao động, không nề hà bất cứ công việc gì, hễ ai thuê việc gì có tiền phụ giúp gia đình nuôi con cái ăn học là anh nhận làm ngay. Bên cạnh đó, vợ chồng anh đã vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn gà, trâu, bò. Hiện nay, thu nhập từ chăn nuôi đủ để trang trải cuộc sống sinh hoạt của gia đình.

Cùng với lao động, chăm lo cho gia đình, đối với các hoạt động của bản Vều, anh đều tham gia tích cực, đặc biệt là trong công tác phòng chống ma túy. Anh đã đến gặp các thanh niên có dấu hiệu sử dụng ma túy để phân tích, vận động họ tránh xa tệ nạn xã hội. Vì thế thanh niên trong độ tuổi đều nghe theo lời anh, tránh xa ma túy.

Đánh giá về anh Lưu Văn Toàn, ông Bạch Đình Dung, Trưởng bản Vều 3, xã Phúc Sơn cho biết, anh Toàn không chỉ là người có nghị lực đoạn tuyệt với ma túy, hiện nay anh còn là một tình nguyện viên rất nhiệt tình trong các buổi sinh hoạt của bản cũng như các buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy tại địa phương. Chính những chia sẻ của anh trong các buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy mà công tác cai nghiện trên địa bàn đạt hiệu quả cao. Hiện nay, trong bản Vều không có người nghiện mới.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.