Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Xa quê tìm việc và vấn đề văn hóa

PV - 10:57, 21/05/2018

Những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tình hình sản xuất của đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ kém hiệu quả.

Do đó, ngày càng có nhiều lao động thất nghiệp, thiếu việc làm tại địa phương. Nhiều lao động phải rời quê đi tìm việc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong đó có mai một về bản sắc văn hóa.

Xa quê, xa văn hóa cội nguồn

Anh Thạch Văn Duyên, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đi xuất khẩu lao động thị trường Nhật được 2 năm chia sẻ: “Gia đình thuộc hộ nghèo, có 7 anh em, làm không đủ ăn nên đăng ký đi lao động nước ngoài. Mình cố gắng có dư để trả nợ, sửa lại nhà rồi về, chứ sống bên đó rất khó, muốn được đi chùa lễ Phật cũng không có. Hai năm xa quê, hầu như không được sinh hoạt văn hoá gì của dân tộc mình. Thậm chí nhiều từ ngữ tiếng Khmer không được giao tiếp thường xuyên nên cũng quên mất”.

 Đồng bào Khmer thực hiện các nghi lễ tại chùa. Đồng bào Khmer thực hiện các nghi lễ tại chùa.

 

Cùng nỗi lo lắng về việc xa quê tìm việc, các con em đồng bào dân tộc không gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hoá của dân tộc, ông Sơn Tài, ấp 4, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có con và 2 người cháu làm việc tại khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương cho biết, do thời tiết bất thường, xâm nhập mặn, hai năm liên tục gia đình ông trồng cây gì cũng thất bại, làm cho kinh tế gia đình khó khăn, con ông phải đi tìm việc ở các khu công nghiệp khác tỉnh.

“Lúc trước ai không có đất đi làm thuê cho người có đất, còn bây giờ do sản xuất không hiệu quả nên cũng không ai thuê, hầu như muốn kiếm việc làm phải đi xứ khác, xa lắm mới tìm được việc. Tết Cổ truyền của dân tộc cũng không được về, đừng nói chi các lễ Sendolta, Oóc om Bok hay nhớ con muốn về thăm gia đình, vì làm cho xí nghiệp người ta đâu biết ngày lễ của mình mà cho nghỉ”, ông Tài chia sẻ.

Cần tích cực tạo việc làm tại chỗ

Để giúp người dân giải quyết tốt bài toán vừa đảm bảo mưu sinh vừa giữ được các nét văn hóa truyền thống, thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần tích cực tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào.

Trên thực tế, tại một số địa phương Tây Nam bộ, chính quyền bước đầu đã chú trọng vào vấn đề này. Năm 2018, tỉnh Sóc Trăng được Chính phủ phê duyệt đầu tư tổng vốn trên 490 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho hộ đồng bào dân tộc Khmer. Đây là niềm vui lớn của đồng bào, nhất là hộ Khmer nghèo trên địa bàn tỉnh khi có cơ hội tìm được việc làm ngay tại địa phương nhằm ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội lại đảm bảo được việc sinh hoạt tín ngưỡng theo phong tục truyền thống của dân tộc.

Về ấp Rạch Sên, nơi có trên 98% dân số là đồng bào Khmer thuộc xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc niềm vui này. Từ một ấp có tỷ lệ hộ nghèo trên 70% vào năm 2000, nay giảm xuống còn dưới 9% vào cuối năm 2017.

Ông Mai Thanh Cầu, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn, nhờ có nhiều chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc đã góp phần giúp đời sống của người dân ổn định. Trong thời gian sắp tới, địa phương tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tạo việc làm tại chỗ để đưa lao động quay lại địa phương.

Đây thực sự là một cách làm hay, một hướng đi phù hợp với văn hóa, tâm lý của phần đông đồng bào khmer khu vực Tây Nam bộ. Thời gian tới, các địa phương nên nghiên cứu, tìm hiểu để nhân rộng mô hình.

NHƯ TÂM