Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Xã vùng biên Mù Sang khởi sắc từ chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Uyên Linh- CĐ - 09:22, 18/08/2021

Là xã biên giới của huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), Mù Sang được biết đến địa bàn rộng, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, cách trở, đất đai khô cằn vì thường xuyên thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt. Vài năm gần đây, thiên tai diễn biến khắc nghiệt, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân. Để đảm bảo đời sống, lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Nhiều hộ dân trong xã đã tích cực chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, phù hợp với BĐKH
Nhiều hộ dân trong xã đã tích cực chuyển đổi sang trồng cây dược liệu, phù hợp với BĐKH

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Mù Sang- Nguyễn Văn Thủy, chúng tôi phần nào hiểu hơn những khó khăn, vất vả của người dân, sự khắc nghiệt của thiên tai xảy ra gần đây với địa phương. Mặc dù chỉ có 10 bản, 559 hộ dân, trên 3 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là người Mông, Dao sinh sống, nhưng nơi đây lại là xã khó khăn nhất của huyện biên giới Phong Thổ. Đã khó khăn, vất vả nhưng thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất, mưa đá thường xuyên xảy ra. 

Bên cạnh đó, do địa hình vùng cao nên hạn hán kéo dài, tình trạng thiếu nước sản xuất vẫn tiếp diễn từ năm này qua năm khác, đã làm ảnh hưởng đến năng suất hoa màu của toàn xã. Thiên tai khắc nghiệt ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát sinh các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đặc biệt là: bệnh sâu keo mùa thu trên cây ngô, nạn châu chấu, bệnh lở mồm long móng với trâu bò, heo tai xanh, tả lợn Châu Phi...

Chỉ tính riêng năm 2020, trong 4 đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn, đã làm 3 người chết, bị thương 1 người, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại lên tới trên 19 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra 2 đợt thiên tai, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu với tổng giá trị trên 120 triệu đồng. Sau khi xảy ra thiên tai, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đến động viên, vận động người dân khắc phục, sửa chữa lại nhà ở, chuồng trại bị hư hỏng, phục hồi, chuyển đổi các diện tích hoa màu bị hỏng sang trồng loại cây ngắn ngày.

Để khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, việc chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ tất yếu. Cấp ủy, chính quyền địa phương, đã tổ chức họp bàn, tìm các giải pháp thực hiện. Theo đó, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch quy hoạch sản xuất theo vùng; chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với MTTQ, các đoàn thể xã xuống các bản tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Đặc biệt, để chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực hiện có hiệu quả, Đảng bộ và chính quyền xã Mù Sang đã nêu cao tính tiên phong gương mẫu đi đầu của các cán bộ, đảng viên, công chức trong xã, vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Từ đó, người dân tin tưởng, làm theo, từng bước đưa chủ trương của xã đến với người dân một cách hiệu quả, thiết thực.

Xác định với khí hậu khắc nghiệt, khô cằn, thường xuyên thiếu nước, xã vận động bà con tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, trồng chuối kém hiệu quả sang trồng cây sắn năng suất cao, giá thành ổn định. Hiện nay, toàn xã đã trồng được 202 ha sắn (so năm 2020 tăng gần 150ha).

 Ngoài ra, xã vận động bà con tích cực khai hoang diện tích đất trống để trồng cây ăn quả, khôi phục diện tích cây ăn quả bị thiên tai làm ảnh hưởng;Triển khai chủ trương của tỉnh hỗ trợ đưa cây dược liệu có giá trị kinh tế cao vào trồng tại các vùng; Vận động Nhân dân các bản triển khai cấy lúa 2 vụ trên diện tích đất sản xuất đủ nước; đưa các giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu làm đất để giảm chi phí và sức lao động.

Nhân dân xã Mù Sang chăm sóc cây sắn
Nhân dân xã Mù Sang chăm sóc cây sắn

 Chủ động, linh hoạt trong chuyển đổi

Để giúp bà con có thêm nguồn lực, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã chủ động triển khai hỗ trợ kịp thời các chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện về: giống lúa, ngô, cây dược liệu, máy móc phục vụ sản xuất…,tạo điều kiện để bà con gieo trồng, khôi phục, thay thế diện tích đã bị hư hại do thiên tai gây ra; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Chỉ tính riêng năm 2020, địa phương đã phối hợp với các cơ quan trong Khối Nông nghiệp huyện thực hiện cấp bù trên 1,4 tấn giống lúa, ngô cho Nhân nhân khôi phục lại. Vụ đông xuân năm 2021, lần đầu tiên xã vận động bà con gieo cấy 2,3ha, năng suất đạt trên 58 tạ/ha.

Hiện nay, xã đang chỉ đạo cán bộ chuyên môn xuống phối hợp với các bản đôn đốc Nhân dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy 82ha lúa vụ mùa; làm cỏ, chăm sóc 65ha lúa nương, 246ha ngô, 263ha cây ăn quả, 25ha cây dược liệu. Vào cuối tuần, cán bộ, công chức xã tổ chức thăm đồng, kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại trên cây trồng để kịp thời thông báo, hướng dẫn bà con xử lý.

Hưởng ứng chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu của xã, bản Sin Chải đã chủ động, tích cực trong chuyển đổi trồng sắn, trồng lúa, rau màu và dược liệu. Ghé thăm gia đình anh Ma A Chiến, một trong những điển hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả từ việc thích ứng với biến đổi khí hậu của xã Mù Sang. 

Anh Chiến cho biết: Gia đình anh đã chuyển đổi 5.000m một số diện tích đất trồng ngô bị ảnh hưởng mưa lũ sang trồng sắn với tổng diện tích. Ngoài ra còn khai hoang thêm đất để trồng. Vụ vừa qua, riêng sắn gia đình thu được trên 10 tấn, được giá nên thu về trên 20 triệu đồng. " Ngoài sắn gia đình còn thu được 35 bao thóc, 20 bao ngô hạt. Hiện nay, tôi còn mạnh dạn trồng 1.700 gốc sa nhân tím. Nhờ đó, đời sống từng bước được nâng lên, mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt trong gia đình”, anh Chiến phấn khởi thông tin.

Không chỉ hỗ trợ giống cây trồng, xã còn quan tâm, thực hiện kịp thời, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, xây dựng các tuyến đường ra khu sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển vùng sản xuất nông nghiệp và hướng đến sản xuất nông sản hàng hóa. Toàn xã hiện có 6 tuyến đường ra khu sản xuất ở các bản: Tung Chung Vang, Sin Chải, Sàng Sang, Mù Sang, Lảng Than và Sàng Cải đang thi công hoàn thiện trên 80% khối lượng công trình.

Có thể khẳng định, từ những giải pháp phù hợp, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền xã Mù Sang và sự đồng thuận của Nhân dân, trong việc chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, đã tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế vùng biên khởi sắc. Từ đó, nâng thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/năm 2021, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-5%; góp phần xây dựng vùng biên giàu mạnh, giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia.

Tin cùng chuyên mục