Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả

Ngọc Thu - 15:07, 16/09/2022

Để góp phần chắp cánh ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên ngày càng phát triển, thì hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) có vai trò quan trọng. Bởi tổ khuyến nông chính là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, hợp tác xã và nhà quản lý, doanh nghiệp giúp gia tăng giá trị nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững...

Hơn 60 chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông đến từ 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đk Nông tham quan các mô hình nông nghiệp tại Gia Lai.
Hơn 60 chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông đến từ 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông tham quan các mô hình nông nghiệp tại Gia Lai

Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn ngành đang bước vào giai đoạn của cuộc cách mạng 4.0, hoạt động khuyến nông đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Vì thế mô hình KNCĐ được đưa vào triển khai thí điểm, đang đón nhận sự hưởng ứng rất lớn, không chỉ của người trong ngành mà cả các doanh nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều địa phương trên địa bàn cả nước đã ban hành quyết định thành lập tổ KNCĐ, cùng các quy chế hoạt động theo kèm.

Gần đây nhất, tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN về phê duyệt Đề án: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông", trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ như một sự khẳng định chủ trương, định hướng của Bộ trong công tác hoạt động khuyến nông”.Theo đó, đối với việc trao đổi, học tập, trải nghiệm thực tế để có thêm kinh nghiệm trong hoạt động của tổ KNCĐ, các cán bộ khuyến nông được tham quan tại mô hình nông nghiệp.

 Điển hình như tại tỉnh Gia Lai, đã có mô hình xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững, quy mô 45 ha tại trang trại Vĩnh Hiệp (huyện Chư Sê); mô hình trồng mới và thâm canh cây chanh leo theo VietGAP quy mô 30 ha tại xã Ia Pếch (huyện Ia Grai). 

Đối với các mô hình, cán bộ khuyến nông được tập huấn, chia sẻ kiến thức, kỹ năng về khuyến nông cộng đồng; sản xuất cà phê chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu 4C; Rainforest và xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh phát biểu tại mô hình sản xuất cà phê hữu cơ của Công ty Vĩnh Hiệp
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ KNCĐ tại mô hình sản xuất cà phê hữu cơ của Công ty Vĩnh Hiệp

Để tìm giải pháp nâng cao hoạt động hiệu quả hơn nữa của tổ KNCĐ, mới đây, tại TP. Pleku (Gia Lai), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã tổ chức buổi tọa đàm, với chủ đề “Trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của tổ KNCĐ”. Buổi tọa đàm đã thu hút hơn 60 chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, cán bộ khuyến nông đến từ 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông.

Tại buổi tọa đàm này, có rất nhiều ý kiến của các cán bộ khuyến nông đến từ 4 tỉnh Tây Nguyên nhằm đóng góp để các tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả. Như  ý kiến của ông Nguyễn Quốc Tri - thành viên tổ KNCĐ huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, ông trăn trở: “Chức năng nhiệm vụ của khuyến nông cộng đồng tư vấn cho bà con nông dân làm cà phê sạch, có chứng nhận để kết nối doanh nghiệp nâng cao chất lượng. Thế nhưng, là cán bộ khuyến nông, chúng tôi rất khó khi thực hiện cầu nối giữa người nông dân sản xuất với doanh nghiệp. Vì vậy, làm thế nào để tiếp cận doanh nghiệp làm cầu nối giữa 2 bên để tăng giá trị sản phẩm cho bà con luôn là điều khiến tôi suy nghĩ”.

Còn chị Cao Thị Lan, tổ KNCĐ huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đưa ra ý kiến: “Khi thực hiện hướng dẫn, yêu cầu các tiêu chí thực hiện công tác khuyến nông, phía Bộ Nông nghiệp có phụ cấp, hỗ trợ cho những người làm công tác khuyến nông không? Đồng thời, có cấp kinh phí tập huấn cho lực lượng KNCĐ được nâng cao trình độ bằng cấp, số lượng cũng như hỗ trợ trang thiết bị cho tổ KNCĐ”.

Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã thẳng thắn trả lời các câu hỏi, những ý kiến thắc mắc, kiến nghị của cán bộ khuyến nông các tỉnh. Đồng thời, đề nghị cán bộ khuyến nông phải bám sát cơ sở, đa dạng hóa hoạt động, liên kết với doanh nghiệp và mở rộng vùng nguyên liệu. Qua đó, tổ khuyến nông cộng đồng sẽ hoạt động đem lại hiệu quả cao nhất và góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về phía các doanh nghiệp cũng nêu nhiều quan điểm. Cụ thể như, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp nêu rõ: Doanh nghiệp luôn mong muốn được kết nối với nông dân để hướng dẫn, cũng như tiêu thụ cà phê đạt tiêu chuẩn để mở rộng vùng nguyên liệu, mong muốn tổ KNCĐ sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân để giúp ngành nông nghiệp vùng Tây Nguyên ngày càng khởi sắc.

 "Chúng tôi sẽ tạo điều kiện, kinh phí để tổ KNCĐ mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng cấp chứng nhận về trồng cà phê theo các tiêu chuẩn. Khi cây trồng có sản lượng, chúng tôi sẽ thu mua, trích lại kinh phí cho tổ KNCĐ và luôn tạo điều kiện vật chất cho các tổ KNCĐ hoạt động", ông Hiệp nhấn mạnh.

Đoàn tham quan mô hình trồng mới và thâm canh cây chanh leo theo VietGAP quy mô 30 ha tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, Gia Lai
Đoàn cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình trồng, thâm canh cây chanh leo theo VietGAP quy mô 30 ha tại xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, Gia Lai

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ghi nhận tất cả những câu hỏi, ý kiến trăn trở của các cán bộ khuyến nông, để từ đó cán bộ Trung tâm sẽ rà soát, nghiên cứu cụ thể hóa những nội dung này, nhằm hướng dẫn cho các tổ KNCĐ, không chỉ là 26 tổ trong đề án thí điểm, mà tất cả hệ thống khuyến nông cộng đồng trên toàn quốc. Trước mắt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ hỗ trợ mỗi tổ KNCĐ 1 máy tính và 1 máy chiếu. Bên cạnh đó, khi vận hành, các thành viên sẽ được phụ cấp xăng xe đi lại và được ưu tiên cấp kinh phí đào tạo cho HTX, bà con nông dân...

Đồng thời, đề nghị các tổ KNCĐ đã được thành lập xây dựng kế hoạch hoạt động, những kiến nghị, vấn đề cần hỗ trợ... để có cơ chế, nguồn lực bổ sung cho các tổ hoạt động hiệu quả. Ông Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng mong muốn, các cán bộ Khuyến nông, ngoài việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, còn phải kết nối, tiếp cận nhiều giá trị và các hoạt động bao gồm văn hóa, xã hội, du lịch... Từ đó, tăng cường hệ thống khuyến nông cơ sở, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đa dạng các hoạt động khuyến nông. 

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.