Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xây dựng “điểm tựa” cho bản làng thông qua cơ chế, chính sách phù hợp

Thúy Hồng - 07:05, 01/05/2024

Đội ngũ Người có uy tín luôn giữ vai trò quan trọng; là “cầu nối” đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Do đó Đảng, Nhà nước đã quan tâm, kịp thời ban hành, điều chỉnh, hoàn thiện về cơ chế, chính sách để phát huy vai trò Người có uy tín.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, Người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4/2024).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, Người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4/2024).

Vai trò “đầu tàu” ở cơ sở

Năm 2023, cả nước có 28.538 Người có uy tín (25.960 nam, chiếm tỉ lệ 90,97 % và 2.578 nữ chiếm tỉ lệ 9,03 %). Bao năm qua, ở các bản làng, phum sóc…, từ tinh thần trách nhiệm, gương mẫu và làm được nhiều việc ý nghĩa vì cộng đồng, đội ngũ Người có uy tín luôn nhận được sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo ở địa phương, được Nhân dân tin yêu, kính trọng lắng nghe ý kiến, là “điểm tựa” vững chắc của đồng bào.

Như tấm gương ông Bế Văn Ly, Người có uy tín ở thôn Còn Bó, xã Thanh Hòa, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ông Ly được người dân tín nhiệm bầu làm Người uy tín từ năm 2012 đến nay. Gần 12 năm qua, ông vẫn luôn nêu gương đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương; là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.

Minh chứng như, hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Ly đã phối hợp với các cán bộ chính quyền ra sức tuyên truyền, triển khai tới bà con trong thôn về các tiêu chí cũng như giải pháp để đạt chuẩn NTM.

Được biết, thôn Còn Bó chủ yếu tập trung đồng bào dân tộc Tày, Nùng cùng sinh sống, kinh tế phụ thuộc vào nghề làm nông nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để vận động người dân xây dựng bể nước sạch sinh hoạt của thôn, gia đình ông Ly đã đi đầu tình nguyện hiến 100m2 đất. Từ lời nói và hành động của ông, các hộ dân trong thôn đã tin tưởng, làm theo, nhờ đó, ông đã vận động được các hộ dân hiến thêm 70m2 đất để xây dựng công trình nước sạch rộng rãi, khang trang.

Ngoài ra, ông Bế Văn Ly còn là một trong những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình ông Ly tập trung chăn nuôi 10 con bò và trồng cây ăn quả mang lại nguồn thu khoảng 80 triệu đồng/năm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng Bằng khen cho Người có uy tín tiêu biểu tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng Bằng khen cho Người có uy tín tiêu biểu tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023.

Động lực để Người có uy tín cống hiến

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự phát triển vùng DTTS, miền núi, trong đó có các chính sách dành cho Người có uy tín. Cụ thể, trong giai đoạn 2018 - 2022, triển khai Quyết định 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, các địa phương đã tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến, cung cấp thông tin cho gần 90.000 lượt Người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các đơn vị, địa phương đã tổ chức 3.631 cuộc thăm hỏi, tặng quà cho 149.796 lượt Người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán và 1.648 cuộc với 29.943 lượt Người có uy tín nhân dịp Tết truyền thống của các DTTS... Đồng thời, tổ chức các hội nghị biểu dương, tôn vinh vai trò Người có uy tín các cấp.

Đặc biệt, năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức; Năm 2023, tổ chức Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Qua sự kiện, ngày càng lan tỏa những tấm gương tiêu biểu có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi…

Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trong giai đoạn mới, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định 1719, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách cho Người có uy tín.

Ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ DTTS (Ủy ban Dân tộc) cho biết: Trên cơ sở ghi nhận những ý kiến đóng góp của đội ngũ Người có uy tín và chính quyền địa phương, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Với sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước bằng cơ chế, chính sách cụ thể, là động lực quan trọng để đội ngũ Người có uy tín tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của bản làng, phum sóc. Tiếp tục là “cầu nối” giữa “Ý Đảng lòng dân”, luôn xứng đáng là “điểm tựa” vững chắc cho đồng bào vùng DTTS. 

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.