Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới

P. Ngọc (T/h) - 13:13, 15/06/2021

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét cho ý kiến trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.

Cửu đỉnh được đặt ở sân Thế Tổ Miếu. Ảnh: BCAND
Cửu đỉnh được đặt ở sân Thế Tổ Miếu. Ảnh: BCAND

Bảo vật quốc gia Cửu đỉnh được đặt tại sân Thế Tổ Miếu, Đại Nội Huế. Với những giá trị đặc sắc, Cửu đỉnh được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012.

Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn, Cửu đỉnh như một bộ "Bách khoa toàn thư" của Việt Nam đầu thế kỷ XIX được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình.

Cửu đỉnh là 9 đỉnh bằng đồng được khởi công chế tác vào cuối năm 1835 dưới thời vua Minh Mạng. Trải qua gần 200 năm tồn tại, Cửu đỉnh vẫn tồn tại nguyên vẹn, là bản nguyên gốc và duy nhất, chưa từng được sửa chữa.

Đặc biệt, Cửu đỉnh gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt ở vị trí đối diện với án thờ các vua bên trong Thế Tổ Miếu. Trên Cửu đỉnh khắc họa nhiều hình ảnh về các cảnh vật rất thân quen với người Việt trải dài từ Bắc vào Nam, tạo nên bức tranh thiên nhiên giàu đẹp của đất nước, như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền…

Cửu đỉnh được xem như một bộ cẩm nang có minh họa và chú thích đầu tiên của nước ta về sự đa dạng sinh học. Trong số 162 họa tiết chạm nổi trên Cửu đỉnh, có tới 90 hình ảnh về các loài động, thực vật đặc trưng của Việt Nam.