Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Xây dựng nông thôn mới ở miền núi: Nhiều địa phương vẫn “nợ” tiêu chí môi trường

PV - 14:48, 26/06/2018

Trong quá trình triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương vùng nông thôn, miền núi gặp khó khăn khi thực hiện tiêu chí môi trường. Thiếu địa điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt ở các xã và các chất thải rắn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; thiếu nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường còn thấp… là thực trạng chung của nhiều địa phương hiện nay.

Mỗi nơi một kiểu ô nhiễm

Xã Thọ Hợp được Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) chọn làm xã điểm NTM từ năm 2016. Mục tiêu đến cuối năm 2018, sẽ phấn đấu về đích NTM. Tuy nhiên, đến thời điểm này, địa phương mới chỉ đạt 14/19 tiêu chí. Trong 5 tiêu chí còn “nợ”, có tiêu chí về môi trường.

Theo phản ánh của người dân, từ hơn chục năm nay, trên địa bàn xã đã hình thành cụm công nghiệp nhỏ Thọ Hợp với hàng chục xưởng chế biến đá lớn nhỏ nằm san sát nhau. Cụm công nghiệp này không được quy hoạch khu vực tập kết chất thải rắn, vì thế, một lượng chất thải là đá vôi, đá hoa do các xưởng chế biến thải ra được các chủ xưởng đổ bừa bãi dọc hai bên đường gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và đất canh tác.

Mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình ở xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình ở xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An).

Còn tại xã Quài Nưa-một trong 3 xã điểm về xây dựng NTM của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thực hiện xây dựng NTM từ năm 2012. Đến nay, xã đạt 9/19 tiêu chí. Tuy nhiên, tiêu chí môi trường đang là trở ngại lớn trong việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM của xã. Là xã có thế mạnh về phát triển chăn nuôi, toàn xã có gần 3.000 con trâu, bò; 1.200 con dê; hơn 23.000 con gia cầm... Người dân vẫn có thói quen làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm gần nhà hay dưới gầm sàn. Cùng với đó là tình trạng nhà vệ sinh tạm bợ... gây ô nhiễm môi trường sống, cảnh quan.

Bên cạnh đó, việc thu gom và xử lý rác thải chủ yếu do người dân tự xử lý bằng phương pháp chôn lấp kết hợp với đốt thủ công. Chất thải phát sinh trong quá trình sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom một cách triệt để. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, đồng thời làm mất mỹ quan đường làng ngõ xóm.

Những giải pháp tạm thời

Qua tìm hiểu tại các địa phương, chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân xả rác bừa bãi ra đường hoặc đổ trộm vào một khu đất trống nào đó, là vì trên địa bàn chưa bố trí, quy hoạch được bãi tập kết rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp về một địa điểm cụ thể.

Tại huyện Quỳ Hợp có một bãi rác được quy hoạch tại Thung Khuộc (vùng phụ cận thị trấn Quỳ Hợp) cách đây hơn 7 năm trước. Tuy nhiên, sau nhiều năm “gồng gánh” lượng rác thải khổng lồ từ thị trấn và các vùng phụ cận, đến nay, bãi rác đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để giải quyết “bài toán” xử lý rác thải, từ năm 2010, UBND huyện Quỳ Hợp đã có phương án xây dựng “Bãi xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và vùng phụ cận xã Thọ Hợp”, với diện tích 6,6ha, với dự toán ban đầu là hơn 44 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn chỉ là khu đất trống.

Trong khi “chờ” có bãi rác mới, một số địa phương trên địa bàn huyện Quỳ Hợp cũng đã có sáng kiến tự xử lý rác thải bằng cách làm bể đổ rác của gia đình, phân loại rác và tự xử lý đốt.

Riêng tại xã Châu Cường, từ năm 2016, Đoàn Thanh niên xã được giao chủ trì, tiến hành xây dựng Đề án xử lý rác thải với hệ thống xử lý rác tại gia. Theo đó, các hộ gia đình tại 5 xóm, bản trên địa bàn xã đã được cấp kinh phí 420.000 đồng/hộ để xây dựng các hố xử lý rác thải và nước thải theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật được thiết kế. Đối với rác hữu cơ, sau khi đốt, xử lý sẽ tận dụng lấy tro ủ làm phân bón thay cho phân chuồng và các loại phân độc hại khác. Đối với rác vô cơ thì tiến hành thu gom, chôn lấp.

Tuy nhiên, trên bình diện cả nước, không phải địa phương nào cũng có điều kiện nguồn lực để triển khai hệ thống xử lý rác thải theo quy chuẩn kỹ thuật như xã Châu Cường. Theo đánh giá của nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện Nước tưới tiêu và Môi trường, tiêu chí số 17 về môi trường được đánh giá là một trong các tiêu chí khó thực hiện nhất, tỷ lệ đạt thấp nhất trong xây dựng NTM. Hiện cả nước mới chỉ có 42% số xã xây dựng NTM đạt tiêu chí môi trường. Thậm chí, ngay cả những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM vẫn còn nhiều chỉ tiêu về môi trường chưa hoàn thành.

Các chuyên gia nghiên cứu đề xuất, giải pháp đảm bảo tiêu chí môi trường bền vững, ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, cần xây dựng các mô hình kiểu mẫu đối với từng chỉ tiêu cụ thể trong tiêu chí môi trường, như mô hình thực hiện tốt chỉ tiêu về cảnh quan môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng địa phương.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục