Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Xóa mù chữ ở Ngư Mỹ Thạnh

PV - 11:33, 24/07/2018

Vì cuộc sống chật vật bươn chải nên nhiều người dân ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) “không kịp” học chữ. Khi đối mặt với những rắc rối vì một chữ bẻ đôi cũng không biết thì khát vọng học chữ lại trỗi dậy trong tâm thức những ngư dân này. Thế rồi, xen vào những ngày ngụp lặn mò cá, bắt cua là những buổi đánh vật với con chữ.

xóa mù chữ Thầy giáo Hồ Quang Chính tận tình hướng dẫn cho từng học viên.

Lớp học nhiều lứa tuổi

Đến thôn Ngư Mỹ Thạnh hỏi lớp học xóa mù chữ cho ngư dân do ông Hồ Quang Chính phụ trách, ai cũng biết. Đó là một lớp học rất đông học viên, đủ mọi lứa tuổi, nhưng đông nhất là số học viên độ tuổi từ 40-50. Ông Nguyễn Vực (55 tuổi), một học viên trong lớp cho biết: “Không có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ không biết chữ. Ai viết cho lá thư cũng phải nhờ người đọc. Làm đơn từ cũng phải nhờ người viết rồi lấy tay điểm chỉ chứ cũng không biết ký. Có đợt nhận hàng cứu trợ, họ ghi nhăng nhít chữ, mình chẳng biết ghi gì, họ bảo điểm chỉ vào thì cứ điểm chỉ thôi. Giờ có lớp học miễn phí, tui đi học ngay, kẻo già rồi mà không biết chữ thì xấu hổ lắm”.

Khi đến lớp học chữ, những ngư dân dường như quên đi mọi nỗi vất vả, mệt mỏi của một đêm lênh đênh ngụp lặn mưu sinh trên phá. Trong lớp có những cặp học viên là vợ chồng cùng đi học như anh Lê Đường, chị Nguyễn Thị Bê.... Do đi học khi tuổi đã lớn nên đôi tay họ không được mềm dẻo như những đứa trẻ, thầy giáo Chính phải cầm những đôi bàn tay chai sần để uốn nắn từng con chữ. Những nét chữ đôi khi chưa rõ ràng, nhưng ẩn phía sau đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Toàn thôn Ngư Mỹ Thạnh có 186 hộ thì có đến 30 hộ nghèo và gần một nửa dân cư mù chữ. Khi tiếp xúc, trò chuyện với họ, tôi hiểu được vì sao họ lại khao khát học chữ đến như vậy. Họ học cái chữ để xua đi cái nghèo đói, lạc hậu. Bởi theo họ, chỉ vì không biết chữ để theo được với sự tiến bộ của xã hội nên mới nghèo khổ. “Bây giờ tôm, cá đã ít đi, phải học biết chữ mà đọc tài liệu, có kiến thức để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Lâu nay, tui và bà con làm ăn toàn mày mò theo kinh nghiệm chứ không theo khoa học gì cả”, ông Nguyễn Tải giãi bày.

xóa mù chữ Con dạy cho cha học chữ.

Ở lớp học thầy,về nhà học con

Thầy giáo Hồ Quang Chính chia sẻ: “Học viên là người nghèo, có cả người DTTS từ Tây Nguyên xuống định cư ở phá Tam Giang để mưu sinh nữa. Quanh năm họ lam lũ với sông nước, tâm hồn rất chất phác, thật thà. Nhưng khi được vận động, ai cũng thích đi học. Khi dạy cũng phải ăn nói cho phải lẽ, tế nhị kẻo bà con tự ái, không học nữa. Bằng mọi cách, chúng tôi phải cố gắng hết sức để truyền thụ kiến thức cho bà con. Nhiều học viên chăm chỉ học đến nỗi khi học ở đây chưa đủ, họ lại về nhà học thêm ở con cái, bắt con họ dạy đánh vần cả đêm”.

Lớp học xóa mù chữ ở Ngư Mỹ Thạnh nằm trong mô hình trung tâm học tập cộng đồng được triển khai tại Thừa Thiên - Huế từ năm 2003, thông qua Dự án Phát triển cộng đồng RLS (Rosa Luxemburg Stiftung của Đức) nhằm xóa mù chữ cho người dân vùng đầm phá, giúp họ ổn định cuộc sống. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Thừa Thiên- Huế, toàn tỉnh có trên 140 trung tâm học tập cộng đồng với trên 4.000 học viên tham gia lớp xóa mù chữ, số người được công nhận biết chữ ngày càng tăng cao.

Quanh năm chỉ quen với rừng rẫy vừa về phá Tam Giang được mấy năm, ông A Hải (quê gốc ở huyện K’Bang, Gia Lai) cho biết, ở Tây Nguyên hay nắng hạn, mất mùa có người quen ở đây nên xuống đi lặn đầm, đánh lưới bắt cá. Khi làm quen được với cuộc sống sông nước, tưởng đã sướng nhưng có một cái rất khổ nữa là không biết chữ gì. Thế là đi học.

Thầy giáo Hồ Quang Chính chia sẻ thêm rằng, cứ động viên chân tình là ai cũng cố gắng hết. Nhiều người vì gánh nặng mưu sinh mà không đến với lớp học được, nên khi đã biết viết và đọc được tạm ổn thì họ xin phép được học tại nhà mỗi khi rảnh rỗi. Tuy họ không biết chữ nhưng con em họ thì lại biết đọc, biết viết hết nên họ cũng thường xuyên học thêm con cái để nhanh biết. Ông Hoàng năm nay đã 58 tuổi hóm hỉnh: “Tôi học ở đây về nhà tôi còn học thêm ở con cái nữa, học cả cháu ngoại luôn. Mình chịu thiệt thòi để cho con cái đi học, giờ về nó dạy mình cũng được chứ có sao đâu. Xem như nó là thầy giáo của mình vậy. Có những buổi tối vui vẻ cả ba cha con, ông cháu đọc chữ vang cả nhà lên, khí thế lắm!”.

MỸ NGA - ĐẮC THÀNH