Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Xu hướng phụ nữ DTTS lấy chồng nước ngoài tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro và hệ lụy

Minh Nhật - 15:36, 10/08/2024

Từ đầu năm đến nay, tại một số huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái và Lai Châu đã có nhiều phụ nữ DTTS kết hôn với người nước ngoài, trong đó xã Nậm Có, Mù Cang Chải (Yên Bái) chỉ tính riêng tháng 7/2024 có tới 27 trường hợp.

Đại diện ngành, đoàn thể, cấp ủy và chính quyền đến gia đình ông Sùng A Câu (gia đình có con gái lấy chồng Trung Quốc) ở bản Có Mông, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải tuyên truyền và nắm thông tin liên quan. Ảnh: Hội LHPN Mù Cang Chải
Đại diện ngành, đoàn thể, cấp ủy và chính quyền đến gia đình ông Sùng A Câu (gia đình có con gái lấy chồng Trung Quốc) ở bản Có Mông, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải tuyên truyền và nắm thông tin liên quan. Ảnh: Hội LHPN Mù Cang Chải

Phụ nữ DTTS lấy chồng nước ngoài gia tăng 

Thông tin từ Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mù Cang Chải, đến nay toàn huyện đã có 47 trường hợp lấy chồng người nước ngoài (phần lớn là người Trung Quốc), và hiện tượng này bắt đầu "rộ" lên từ cuối năm ngoái.

Bà Khang Thị Mào - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải cho biết, đa số trường hợp kết hôn nói trên là các cô gái dân tộc Mông, trong đó xã Nậm Có là nhiều nhất với 27 trường hợp.

Theo bà Mào, nhiều người Trung Quốc đã đến huyện này trải nghiệm du lịch nhưng thực chất là đi hỏi vợ. Có nhiều trường hợp đàn ông Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để kết nối, trò chuyện trước đó với các cô gái Mông, sau đó sắm vai khách du lịch tìm về tận thôn bản để gặp gỡ, tiến đến hôn nhân. Đáng chú ý có những trường hợp đã tổ chức đám cưới ở thôn bản nhưng không đăng ký kết hôn.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải, ông Trần Minh Vấn cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã tiếp nhận thủ tục, hồ sơ của 26 trường hợp để cấp đăng ký kết hôn. Có nhiều cô gái đi làm thuê ở vùng giáp biên Lào Cai và quen thân với đàn ông Trung Quốc, phát sinh quan hệ tình cảm và tiến đến hôn nhân. "Họ trình ra đủ hồ sơ pháp lý, trong đó có chứng nhận của hai bên về tình trạng hôn nhân, không vi phạm pháp luật, thì được cấp giấy kết hôn", ông Vấn nói.

Trước xu hướng phụ nữ đồng bào DTTS lấy chồng nước ngoài, các ngành, đoàn thể của huyện Mù Cang Chải, gồm Hội LHPN, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Công an huyện, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Dân số đã phối hợp với UBND xã Nậm Có tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên nữ không đi lao động không rõ địa chỉ, không vội vàng kết hôn với người nước ngoài bất hợp pháp, đặc biệt cần nâng cao nhận thức về rủi ro, nguy cơ xấu xảy ra.

Hội LHPN Mù Cang Chải mở hội nghị tuyên truyền pháp lý và nâng cao nhận thức cho bà con về các vấn đề liên quan khi kết hôn với người nước ngoài
Hội LHPN Mù Cang Chải tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp lý và nâng cao nhận thức cho bà con về các vấn đề liên quan khi kết hôn với người nước ngoài

Tại Lai Châu theo thông tin từ Công an tỉnh gần đây hoạt động hôn nhân thông qua môi giới giữa phụ nữ Việt Nam với đàn ông Trung Quốc ngày càng có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Đa số là những phụ nữ trẻ người DTTS, sinh sống ở các địa bàn vùng núi, nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa, hiểu biết về pháp luật hạn chế, họ thường tìm hiểu qua mạng xã hội Zalo, Facebook, WeChat rồi tự nguyện kết hôn với người Trung Quốc hoặc thông qua họ hàng, bạn bè đang sinh sống, lấy chồng ở Trung Quốc qua giới thiệu, mai mối…

Những hệ lụy...

Gần đây hoạt động hôn nhân thông qua môi giới giữa phụ nữ Việt Nam với đàn ông Trung Quốc ngày càng có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Đa số là những phụ nữ trẻ người DTTS, sinh sống ở các địa bàn vùng núi, nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa, hiểu biết về pháp luật hạn chế, họ thường tìm hiểu qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Wechat rồi tự nguyện kết hôn với người Trung Quốc hoặc thông qua họ hàng, bạn bè đang sinh sống, lấy chồng ở Trung Quốc giới thiệu, mai mối; họ lấy chồng Trung Quốc vì mục đích kinh tế, muốn có cuộc sống nhàn hạ; đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ Việt chủ yếu là người có độ tuổi ngoài 30 trở lên, chủ yếu sống ở các vùng nông thôn, có thu nhập thấp, công việc không ổn định, cơ bản là lao động phổ thông hoặc làm công nhân trong các nhà máy, phân xưởng ... 

Tuy nhiên, do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và đặc biệt là thông tin sai lệch do môi giới cung cấp nên nhiều cặp vợ chồng đã xảy ra xung đột dẫn đến hạnh phúc gia đình tan vỡ; gia đình chồng ngược đãi, lạm dụng, lao động khổ cực nên đã tìm cách bỏ trốn về nước hoặc bị các đối tượng dụ dỗ, lừa đưa vào con đường phạm pháp như hoạt động mại dâm, tham gia đường dây lừa đảo...

Hiện nay, các đối tượng môi giới thường sử dụng thủ đoạn hết sức tinh vi thông qua mạng xã hội Weichat để giao dịch móc nối với người Trung Quốc đang có nhu cầu tìm phụ nữ Việt làm vợ. Sau khi cho xem hình ảnh trên Zalo, Facebook hoặc Weichat, nếu đồng ý thì người Trung Quốc sẽ nhập cảnh và đến gia đình nhà gái xem mặt, đặt sính lễ.

 Cơ bản những gia đình có con gái kết hôn với người Trung Quốc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ sẽ nhận số tiền đặt sính lễ rất cao nên đã đồng ý gả con cho người Trung Quốc mà không biết con em mình có thể gặp phải rủi ro, hệ lụy từ việc môi giới, kết hôn chóng vánh này.

Cấp ủy chính quyền, địa phương tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân và gia đình có con em lấy chồng Trung Quốc. (Ảnh: CALC)
Cấp ủy chính quyền, địa phương tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân và gia đình có con em lấy chồng nước ngoài. (Ảnh: CALC)

Trước thực trạng trên, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh khuyến cáo người dân khi muốn kết hôn với người nước ngoài cần tìm hiểu kỹ về công việc, đời sống của người mình lấy làm chồng, tránh tình trạng sau khi kết hôn không chịu đựng những hệ lụy phát sinh phải trốn chạy về nước gây thiệt hại, tổn thương cho con cái cũng như bản thân. Tránh bị lừa đảo rơi vào các đường dây buôn người, bán dâm, tham gia vào các đường dây tội phạm khác.

Các cấp chính quyền cơ sở, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn vùng cao nơi có nhiều phụ nữ DTTS sinh sống cần quan tâm tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về những rủi ro của hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp để người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, chủ động tố giác đối tượng phạm tội tổ chức đưa người ra nước ngoài kết hôn trái phép.



Tin cùng chuyên mục
Gia Lai chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc

Gia Lai chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc

Chiều 12/9, UBND tỉnh Gia Lai đã phát động, vận động, kêu gọi ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Buổi phát động được kết nối trực tuyến với 17 điểm cầu tại 17 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh.