Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Yên Bái: Một nhiệm kỳ đột phá trong công tác giảm nghèo

Đình Tứ - Minh Thu - 12:30, 08/03/2021

Bước vào nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Yên Bái còn trên 32% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020), với việc tập trung tạo sinh kế cho người dân, tỉ lệ hộ nghèo ở Yên Bái giảm còn 7,04%, đời sống của Nhân dân các dân tộc ngày càng khởi sắc...

Công tác giảm nghèo ở Yên Bái đã đạt được những kết quả khá toàn diện, người dân đã tạo ra nhiều sinh kế và vươn lên thoát nghèo hiệu quả
Công tác giảm nghèo ở Yên Bái đã đạt được những kết quả khá toàn diện, người dân đã tạo ra được nhiều sinh kế và vươn lên thoát nghèo hiệu quả

Trao “cần câu” tạo động lực giảm nghèo

Trước đây, thiếu vốn, thiếu kiến thức làm nông, gia đình chị Chang Thi Mấy, thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn là một trong những hộ nghèo ở xã. Năm 2018, với sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, chị Mấy đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Văn Chấn để mua 1 con trâu. Được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, chỉ sau 3 năm, gia đình chị Mấy đã có thêm 3 con trâu. 

Cùng với chăn nuôi, gia đình chị còn được tập huấn kỹ thuật để phát triển trên 3ha chè Shan tuyết. Sau khi có thu nhập, chị tích luỹ mua được máy dập lúa liên hoàn phục vụ bà con trong thôn tăng nguồn thu. Đến nay, không chỉ thoát nghèo, gia đình chị Mấy còn trả hết nợ ngân hàng và vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá của xã.

Ở thôn Hà Khem, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ, từ năm 2015 trở về trước, gia đình ông Nguyễn Văn Miền, cũng thuộc diện hộ nghèo. Được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền xã Thạch Lương, các tổ chức hội, đoàn thể, năm 2015, ông Miền tiếp cận được nguồn vốn giảm nghèo.

Với 30 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Nghĩa Lộ, ông Miền mua 2 con trâu về nuôi và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do UBND xã, Phòng Nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ tổ chức. Sau 1 năm, trâu sinh trưởng tốt và đẻ lứa nghé đầu tiên, ông để lại nuôi và tiếp tục gây giống. Không chỉ dùng trâu mẹ để phát triển đàn, ông Miền còn mua thêm trâu, bò nhỏ về nuôi, vỗ béo rồi bán ra thị trường.

 Qua thời gian cần cù lao động chăm sóc, hiện nay gia đình ông Miền đang sở hữu đàn trâu, bò, nghé 30 con với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông đã thoát được nghèo và đang trong quá trình vươn lên làm giàu.

“Mô hình chăn nuôi của hộ ông Miền được các cơ quan chức năng và địa phương rất quan tâm, có thể lấy làm điển hình để nhân rộng trong tỉnh”, ông Đỗ Ngọc Sơn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, khi bước vào thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, tỉnh Yên Bái còn trên 32% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Do đó, tỉnh Yên Bái xác định, công tác giảm nghèo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Cùng với kiên trì thực hiện các giải pháp giảm nghèo, lần đầu tiên Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành các kế hoạch giảm nghèo bền vững (Kế hoạch 131 năm 2019; Kế hoạch 170 năm 2020).

Một góc nông thôn miền núi xã Bản Công, huyện Trạm Tấu
Một góc nông thôn miền núi xã Bản Công, huyện Trạm Tấu

Theo đó, chỉ tiêu giảm nghèo được giao cụ thể đến các xã, phường, thị trấn; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những người đứng đầu cấp ủy và các cơ quan, đơn vị, địa phương; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm rất cao để thực hiện các nhiệm vụ về công tác giảm nghèo.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc,  sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Yên Bái đã huy động, ghép các nguồn vốn để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với hơn 15.433 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 7.472 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 2.754 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi hơn 3.354 tỷ đồng; nguồn vốn huy động các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, cộng đồng và nhân dân hơn 412 tỷ đồng; từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác 1.440 tỷ đồng.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ trên 32% (năm 2016) xuống còn 7,04% (năm 2020 – tỉnh Yên Bái đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ). Riêng  2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân 7,66%/năm. Số xã ĐBKK giảm 26,3%, còn 59 xã; số thôn, bản ĐBKK giảm 16,9% còn 383 thôn, bản.

Về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Đỗ Đức Duy cho biết: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025. Trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trên 4,0%/năm, riêng hai huyện 30a giảm bình quân trên 5,5%/năm; đến năm 2025, huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo, ít nhất 40 xã đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới.

Để thực hiện được các nhiệm vụ, mục tiêu này, Tỉnh uỷ  Yên Bái sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hiện thực hoá Nghị quyết vào cuộc sống, bằng các giải pháp mà Nghị quyết đề ra, thông qua những việc làm, chương trình hành động cụ thể của mỗi cấp uỷ, chính quyền và tầng lớp Nhân dân... 

 

Tin cùng chuyên mục