Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

2 cô gái 9X khởi nghiệp với “Bản Ca cao”

Gia Bảo - Ngọc Ánh - 21:41, 18/06/2024

Bằng ý chí, quyết tâm khởi nghiệp với loại nông sản sẵn có tại địa phương, 2 cô gái thế hệ 9X Bế Thị Thu Huyền và Lương Thị Duyên, ngụ tại thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đã tạo nên thương hiệu chocolate thuần Việt mang tên “Bản Ca cao”, đưa sản phẩm vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Bế Thị Thu Huyền (bên trái) và Lương Thị Duyên với sản phẩm mang thương hiệu “Bản Ca cao”. Ảnh: Minh Hậu
Bế Thị Thu Huyền (bên trái) và Lương Thị Duyên với sản phẩm mang thương hiệu “Bản Ca cao”. Ảnh: Minh Hậu

Khởi nghiệp tại quê nhà

Gặp 2 cô gái 9X trong lần tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, mẫu mã chocolate của mình đến du khách và người dân tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bế Thị Thu Huyền phấn khởi chia sẻ, tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2022, “Bản Ca cao” là một trong 9 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết và đạt giải Nhất chung cuộc. Cũng trong năm 2022, sản phẩm mang thương hiệu “Bản Ca cao” đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Để có được thành quả này là cả một quá trình nghiên cứu học hỏi kiên trì và mất rất nhiều thời gian, công sức của Bế Thị Thu Huyền và người bạn gái đồng hành Lương Thị Duyên (cùng huyện Cát Tiên).

Kể lại cơ duyên đến với sản phẩm mang thương hiệu “Bản Ca cao”, Thu Huyền cho biết, chị là người dân tộc Tày, quê gốc ở miền núi phía Bắc nhưng sinh ra, lớn lên tại huyện Cát Tiên. Tại quê hương mới, Thu Huyền nhận thấy cuộc sống của bà con nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Chị nuôi ước mơ sau này sẽ học lên cao để có kiến thức trở về quê hương, góp sức nhỏ bé giúp bà con nông dân đỡ vất vả.

Ước mơ là vậy nhưng sau khi tốt nghiệp Học viện Bưu chính Viễn thông TP. Hồ Chí Minh với ngành học Kế toán, Thu Huyền lại vào làm việc cho một công ty Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương khá cao. “Mỗi dịp nghỉ lễ về quê, tôi thấy bà con nông dân luôn lo lắng khi thu hoạch quả ca cao với đầu ra bấp bênh, không ổn định. Tại huyện Cát Tiên chưa có đơn vị nào sơ chế, chế biến sản phẩm ca cao tại chỗ. Vì thế, tôi đã nung nấu ý tưởng trở về quê hương tìm lối đi riêng cho hạt ca cao”, Thu Huyền chia sẻ.

Trung bình mỗi tháng, “Bản Ca cao” thu mua khoảng 15 tấn quả ca cao từ các hộ liên kết để phục vụ sơ chế, chế biến. Ảnh: Minh Hậu
Trung bình mỗi tháng, “Bản Ca cao” thu mua khoảng 15 tấn quả ca cao từ các hộ liên kết để phục vụ sơ chế, chế biến. Ảnh: Minh Hậu

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bế Thị Thu Huyền quyết định nghỉ việc tại TP. Hồ Chí Minh trở về quê hương bắt đầu con đường khởi nghiệp. Huyền bàn bạc với bạn học của mình là Lương Thị Duyên cùng bắt tay vào khởi nghiệp bằng việc chế biến hạt ca cao thành các loại bột, bơ và chocolate.

Những ngày đầu khởi nghiệp, Huyền và Duyên đã đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm sách vở trên mạng xã hội, tham khảo các tài liệu nước ngoài rồi liên lạc với các chuyên gia nước ngoài để nắm bắt từng quy trình chế biến hạt ca cao. Dẫu đã được tư vấn rất kỹ từ những người đi trước và đơn vị cung cấp máy móc, nhưng khi bắt tay vào làm, mọi thứ khó hơn sự hình dung của hai cô gái trẻ. Kỹ thuật thì nắm vững nhưng để cho ra một sản phẩm theo đúng tỷ lệ mà mình mong muốn thì cả Huyền và Duyên đều gặp khó. Huyền vẫn nhớ những quãng thời gian hai đứa thức trắng nhiều đêm để thử đi thử lại nhiều lần trước khi những mẻ chocolate được sản xuất thành công.

Rồi khi cầm trên tay thành phẩm đầu tiên sau hàng loạt các công đoạn, từ khâu nguyên liệu, chế biến, thiết kế “hình hài” sản phẩm… cả Huyền và Duyên đã vô cùng hồi hộp, xúc động. Đây chính là sản phẩm mang thương hiệu “Bản Ca cao” khởi đầu cho hành trình khởi nghiệp gian nan của hai cô gái 9X.

Nói về tên thương hiệu “Bản ca cao”, Thu Huyền giải thích: Cha mẹ chúng mình xuất thân từ vùng núi biên giới phía Bắc - ở đó người ta gọi tên khu dân cư là bản, giống như từ buôn của người dân tộc gốc Tây Nguyên. Người Tày, Nùng ở thị trấn Phước Cát không đông, nhưng cộng đồng nơi đây vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, vẫn dùng từ bản để nhắc nhớ về quê hương.

Bản trong “Bản Ca cao” cũng có nghĩa là bản vị, bản chất. Mình mong muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm thuần Việt, nguyên chất và nhiều hơn là một sản phẩm chocolate của người Việt làm ra.

Cô gái 9X Bế Thị Thu Huyền bên các sản phẩm của “Bản Ca cao”
Cô gái 9X Bế Thị Thu Huyền bên các sản phẩm của “Bản Ca cao”

Nâng tầm ca cao bản làng

Hiện nay, 2 cô gái 9X đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mang thương hiệu “Bản Ca cao” như: Bột nguyên chất, bột ca cao sữa, rượu ca cao, chocolate và các sản phẩm bơ, đậu phộng ca cao cùng hàng loạt các sản phẩm liên quan đến ca cao. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, Duyên và Huyền đã thành lập Tổ hợp tác Ca cao, liên kết với 20 hộ dân sản xuất ca cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong xưởng.

Bên cạnh đó, Huyền và Duyên đã xây dựng các cửa hàng Online tại các sàn thương mại điện tử gồm; Shopee, Lazada, Postmart, Marketplace Facebook,... và nhận được những đánh giá, phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng đối với sản phẩm.

Bế Thị Thu Huyền cho biết: Để tiến đến mở rộng sản xuất những mặt hàng chất lượng cao, trong thời gian tới, “Bản Ca cao” sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, từ đó tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.    

Ông Trần Quang Trừng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện nay, diện tích ca cao trên địa bàn có xu hướng mở rộng. Nhưng khác với trước đây là trồng ồ ạt theo dự án, nay chỉ có những gia đình có hướng liên kết với đơn vị thu mua để trồng thêm, hướng đến sự phát triển bền vững. Trong quá trình đó, việc xuất hiện và làm nên được sản phẩm như “Bản Ca cao” của Duyên và Huyền là sự khẳng định cho chất lượng hạt ca cao trên địa bàn. Địa phương luôn ủng hộ và sẽ hỗ trợ thêm để tiếp tục công nhận sản phẩm bột ca cao sữa, bơ ca cao là sản phẩm OCOP.

    

                                           

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.