Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

3 phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ kể từ ngày 15/10/2021

P. Ngọc - 15:52, 06/09/2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT. Theo quy định mới sẽ có 3 phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ là thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. 

Về tổng thể, Quy chế thực hiện tinh thần nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo (CSĐT) theo Luật Giáo dục đại học (đã sửa đổi, bổ sung năm 2018 - sau đây gọi là Luật GDĐH). Quy chế gồm các quy định khung và yêu cầu CSĐT quy định cụ thể các nội dung bằng hoặc cao hơn Quy chế này.

CSĐT phải thực hiện trách nhiệm giải trình, thường xuyên cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và công khai, minh bạch để xã hội cùng các bên liên quan giám sát. Trước khi tổ chức tuyển sinh và đào tạo, CSĐT công khai Quy chế của trường; quyết định mở ngành đào tạo; điều kiện bảo đảm chất lượng và thông tin khác.

CSĐT cập nhật thường xuyên và công khai số lượng học viên trúng tuyển, đang học, thôi học và tốt nghiệp theo từng khóa, từng ngành, chương trình đào tạo (CTĐT), hình thức đào tạo; kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu từng lớp; tên đề tài và tóm tắt nội dung các luận văn, đề án có thông tin học viên, người hướng dẫn và ngày bảo vệ (trừ đề tài thuộc lĩnh vực bảo mật thực hiện theo quy định của Nhà nước), để xã hội và các bên liên quan giám sát.

Hình thức và thời gian đào tạo

Hình thức đào tạo chính quy áp dụng cho chương trình định hướng nghiên cứu và chương trình định hướng ứng dụng. Hình thức đào tạo vừa làm vừa học áp dụng cho chương trình định hướng ứng dụng. Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy đối với mỗi hình thức đào tạo thực hiện theo Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với mỗi hình thức đào tạo, cơ sở đào tạo cung cấp kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa cho từng chương trình đào tạo để định hướng cho học viên. 

Thời gian đào tạo được quy định như sau: Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa phải phù hợp với thời gian quy định trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời bảo đảm đa số học viên hoàn thành chương trình đào tạo;

Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học dài hơn ít nhất 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo;

Thời gian tối đa để học viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo.

3 phương thức tuyển sinh

Quy chế quy định khung, ngắn gọn; ứng viên dự tuyển phải bảo đảm yêu cầu đầu vào theo Thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo.

Việc tuyển sinh được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm do cơ sở đào tạo quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ theo quy định hiện hành.

Phương thức tuyển sinh do cơ sở đào tạo quyết định bao gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; bảo đảm đánh giá minh bạch, công bằng, khách quan và trung thực về kiến thức, năng lực của người dự tuyển. Cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp.

Thông báo tuyển sinh được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo ít nhất 45 ngày tính đến ngày kết thúc nhận hồ sơ dự tuyển, bao gồm những thông tin:Đối tượng và điều kiện dự tuyển; Chỉ tiêu tuyển sinh theo chương trình đào tạo, hình thức đào tạo; Danh mục ngành phù hợp của từng chương trình đào tạo và quy định những trường hợp phải hoàn thành học bổ sung; Hồ sơ dự tuyển; Kế hoạch và phương thức tuyển sinh; Mức học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình từng năm học, cả khóa học; Những thông tin cần thiết khác.

Để tuyển sinh không bị gián đoạn do dịch bệnh hay trường hợp bất khả kháng khác, Quy chế cho phép thi tuyển theo hình thức trực tuyến khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như với tuyển sinh trực tiếp.

Quy chế còn quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ tạo điều kiện để liên thông giữa các trình độ GDĐH, trao đổi học thuật trong nước và với nước ngoài; tạo điều kiện cho CSĐT xây dựng CTĐT ở các trình độ GDĐH liên thông với trình độ thạc sĩ;… Điều kiện, tiêu chí đánh giá, quy trình do Quy chế của CSĐT quy định chi tiết. Điểm mới này được đánh giá phù hợp, linh hoạt và tiết kiệm thời gian cho sinh viên có thành tích học tập vượt trội.

Để đảm bảo trách nhiệm giải trình và ứng viên có sự chuẩn bị, CSĐT phải công khai danh mục ngành phù hợp với người học đã tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) cho từng CTĐT.

Công khai kế hoạch giảng dạy và học tập

Địa điểm đào tạo là trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo; các hoạt động thực hành, thực tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế được tổ chức ở ngoài cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 20% khối lượng chương trình đào tạo. Đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, việc tổ chức đào tạo tại các cơ sở thực hành thực hiện theo quy định của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và phải được thể hiện rõ trong kế hoạch giảng dạy.

Quy chế bổ sung hình thức vừa làm vừa học cho chương trình định hướng ứng dụng. Thời gian đào tạo toàn khóa học của hình thức vừa học vừa làm phải dài hơn ít nhất 20% so với hình thức chính quy của cùng CTĐT.

Quản lý tổ chức đào tạo chặt chẽ và tránh học dồn bất hợp lý, Quy chế yêu cầu CSĐT công khai kế hoạch giảng dạy và học tập; những học phần trong CTĐT được bố trí đều trong các tuần của học kỳ. Trường hợp cần phải xếp lịch học tập trung thời gian, số giờ giảng với mỗi học phần không được vượt 15 giờ trong một tuần và 04 giờ trong một ngày. Trong một năm học, học viên được đăng ký tối đa 45 tín chỉ với hình thức chính quy và không quá 30 tín chỉ với hình thức vừa làm vừa học.­­­

Về tổ chức đào tạo theo phương thức trực tuyến, Quy chế cho phép đào tạo trực tuyến không quá 30% khối lượng tín chỉ của CTĐT. Quy định này xuyên suốt và nhất quán với quy chế đào tạo trình độ đại học và tiến sĩ đã ban hành.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.