Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

40 năm hành trình cùng con chữ

PV - 17:49, 12/06/2019

Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Quẩy, 70 tuổi, dân tộc Dao, đã dành hơn 40 năm cuộc đời miệt mài, gìn giữ từng con chữ của đồng bào dân tộc Dao, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao, mỗi gia đình đều có một cuốn gia phả. Cuốn gia phả này ghi chép đầy đủ lý lịch cũng như vai trò và công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và mộ phần của gia đình hay một dòng họ.

“Quan trọng nhất là gia phả được viết bằng chữ Nôm Dao. Do đó, nếu không học chữ Nôm Dao thì sẽ không đọc được sách, không hiểu được nguồn gốc của mình. Ngoài gia phả thì các cuốn sách về lễ nghi cũng được ghi lại bằng chữ Nôm Dao”, ông Quẩy cho hay.

Nhưng điều làm ông Quẩy trăn trở nhất là số người Dao biết viết, biết đọc sách cổ bằng chữ Nôm Dao còn rất ít và người truyền dạy cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, nguy cơ mai một, thậm chí bị thất truyền là thực trạng ngày càng đáng lo ngại.

Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Quẩy với những cuốn sách cổ bằng chữ Dao mà ông sưu tầm được trong suốt hơn 40 năm. Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Quẩy với những cuốn sách cổ bằng chữ Dao mà ông sưu tầm được trong suốt hơn 40 năm.

Khi còn là thanh niên, dù vốn kiến thức về chữ Nôm Dao chưa nhiều, nhưng ông Triệu Văn Quẩy vẫn quyết tâm tìm hiểu để lưu giữ, truyền dạy chữ viết của dân tộc mình. Hơn 40 năm tự học hỏi từ tủ sách của gia đình cùng với nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm từ làng xóm, góp nhặt vốn từ của các cụ cao tuổi, ông Quẩy đã tích lũy được kho từ vựng Nôm Dao phong phú, là tư liệu quý để ông truyền dạy chữ Nôm Dao cho thế hệ con cháu.

“Tôi mở lớp dạy chữ Nôm Dao của dân tộc mình cho thế hệ con cháu, trước tiên là để giữ lại chữ viết của dân tộc, sau là giữ lại những điều hay nét đẹp trong văn hóa của người Dao. Học trò của tôi cũng trở thành những người truyền dạy chữ Nôm Dao cho người khác”, ông Quẩy tâm sự.

Được học chữ Dao từ Nghệ nhân Triệu Văn Quẩy, anh Chảo Văn Thêm, xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) cho biết: “Tôi đã theo học ông Quẩy khoảng hơn 10 năm nay. Giờ đây, đã học được một số bài cúng có trong nghi lễ như đám cưới, đám tang. Và hiện nay, tôi cũng đang mở lớp để truyền dạy lại chữ Dao cho thế hệ trẻ tại địa phương”.

Cũng như anh Chảo Văn Thêm, chị Đặng Thị Hoa, tâm sự: “Sau mỗi buổi đi học tại nhà ông Quẩy về, tôi lại gọi các con cháu trong gia đình đến để truyền dạy lại những gì tôi đã được học từ Nghệ nhân Quẩy, để cho con cháu đọc được chữ Dao, từ đó hiểu thêm về văn hóa của dân tộc mình”.

Được biết, ngoài truyền dạy chữ Nôm Dao của tổ tiên cho con cháu ruột thịt, ông Quẩy còn mở lớp truyền dạy miễn phí cho tất cả những ai có mong muốn được học chữ Nôm Dao. Chính vì thế, tối nào cũng vậy, bất kể ngày nắng hay mưa, cứ xẩm tối là căn nhà nhỏ của ông lại rộn vang tiếng cười. Học trò của ông có cả những người trong xã, ngoài xã nhưng họ đều có một điểm chung là khao khát được học chữ Nôm Dao.

Ông Quẩy phấn khởi bảo: “Mỗi buổi học, hôm ít thì từ 10 đến 20 người, hôm nhiều thì gần 30 người. Có người đến để học chữ, học bài cúng, cũng có người vào lớp học chữ Nôm Dao để có thể đọc gia phả của dòng họ, lại có người đến là vì tình yêu với chữ Nôm Dao và mong muốn được truyền dạy chữ cho nhiều người hơn nữa.

Ngoài việc dạy học, mỗi khi rảnh rỗi, ông Quẩy lại đến từng nhà trong thôn, trong xã để động viên mọi người đi học để hiểu cái chữ, để học đạo hiếu làm người. Đáng quý hơn, sau mỗi giờ học Nghệ nhân Ưu tú Triệu Văn Quẩy còn dạy cho mọi người những bài dân ca của người Dao. Ông coi đây không chỉ là một hoạt động ngoại khóa để giảm căng thẳng mà còn là dịp để mọi người trau dồi ngôn ngữ cũng như giữ gìn lại những làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi đó, ông Triệu Văn Quẩy đã được UBND huyện Bảo Thắng cũng như UBND tỉnh Lào Cai trao tặng nhiều Bằng Khen và Giấy khen. Đặc biệt, cuối năm 2015 ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.