Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

50 năm chiến thắng Đường 9-Nam Lào: Thử thách ngặt nghèo của lịch sử

PV - 10:15, 09/03/2021

Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào bắt đầu từ ngày 30/1 và kết thúc vào ngày 23/3/1971, diễn ra vô cùng quyết liệt. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 quân chủ lực địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng...

Trước khi bắt đầu chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã hai lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Ảnh: TTXVN.
Trước khi bắt đầu chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã hai lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Ảnh: TTXVN.

Mùa Xuân 1971, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, quân dân ta phối hợp chặt chẽ với Nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của quân đội Sài Gòn (được Mỹ yểm trợ) ra khu vực Đường 9 - Nam Lào. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quân sự và chính trị, tác động mạnh mẽ đến cục diện chung trên chiến trường ba nước Đông Dương.

Hành quân “Lam Sơn 719” - Toan tính tham vọng chưa từng có của Mỹ và chính quyền Sài Gòn

Năm 1969, Richard Nixon trúng cử lên làm Tổng thống Mỹ trong bối cảnh Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tiến hành đàm phán rút dần quân viễn chinh về nước. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Nixon chủ trương tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, trong đó lấy quân đội Sài Gòn làm nòng cốt, có sự phối hợp của một bộ phận đáng kể lực lượng chiến đấu quân Mỹ và vẫn do Mỹ chỉ huy thông qua hệ thống cố vấn quân sự, cung cấp tiền bạc, vũ khí kỹ thuật, phương tiện chiến tranh hiện đại.

Thực hiện chiến lược mới vạch ra, trong hai năm 1969 - 1970, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường bắt lính, củng cố phát triển lực lượng (đạt mức hơn 700.000 quân), đẩy mạnh các cuộc hành quân bình định, chiếm lại phần lớn vùng nông thôn rộng lớn, kể cả vùng cách mạng mới giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trước sự đánh phá tàn khốc của quân thù, cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn: Ta bị mất đất, mất dân, thế và lực tiến công suy giảm; hầu hết các đơn vị chủ lực Quân giải phóng hoặc phải kéo ra miền Bắc để củng cố, hoặc chuyển sang biên kia biên giới, một số đơn vị giải thể.

Lực lượng thông tin bảo đảm liên lạc thông suốt mọi tình huống, góp phần làm nên Chiến thắng Đường 9-Nam Lào, mùa xuân năm 1971. Ảnh: TTXVN.
Lực lượng thông tin bảo đảm liên lạc thông suốt mọi tình huống, góp phần làm nên Chiến thắng Đường 9-Nam Lào, mùa xuân năm 1971. Ảnh: TTXVN.

Trên cơ sở những kết quả đạt được bước đầu, từ cuối năm 1970, Mỹ và chính quyền Sài Gòn quyết định tập trung lực lượng mở đồng thời ba cuộc hành quân quy mô lớn đánh phá tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam (đường Trường Sơn) của cách mạng 3 nước Đông Dương trong mùa khô 1970 - 1971, đó là: Cuộc hành quân mật danh “Lam Sơn 719” đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào; cuộc hành quân mật danh “Toàn thắng 1/71” đánh lên vùng Kôngpôngchàm và Krachiê (đông bắc Campuchia); cuộc hành quân mật danh “Quang Trung 4” đánh ra vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Trong ba cuộc hành quân trên, cuộc hành quân mật danh “Lam Sơn 719” đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào có quy mô lớn nhất. Mỹ - chính quyền Sài Gòn đã tung vào cuộc hành quân này những đơn vị thiện chiến và trừ bị chiến lược, lực lượng lúc cao nhất lên tới 55.000 quân (quân đội Sài Gòn: 40.000; quân Mỹ: 15.000), huy động hơn 500 xe tăng và xe bọc thép, gần 300 khẩu pháo và 1.000 máy bay các loại; đồng thời còn nhận được sự hỗ trợ từ quân đội phái hữu Lào (9 tiểu đoàn thuộc hai binh đoàn cơ động GM30 và GM33) ở phía tây Đường 9. 

Mục đích của cuộc hành quân: 1- Đánh phá, cắt đứt hoàn toàn từ gốc tuyến hành lang chi viện chiến lược Bắc - Nam của ta, làm suy yếu sức chiến đấu của cách mạng ba nước Đông Dương; 2- Thể nghiệm công thức cơ bản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”: quân đội Sài Gòn + cố vấn Mỹ + hỏa lực và hậu cần Mỹ; 3- Thử thách quyết tâm, khả năng quân sự của miền Bắc Việt Nam, hỗ trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược ở Lào và Campuchia; 4- Tạo sức ép trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, buộc ta phải nhân nhượng, chấp nhận giải pháp của Mỹ đưa ra. Địch dự kiến sẽ thực hiện cuộc tiến công và các hoạt động đánh phá liên tục trong vòng hơn 3 tháng (từ tháng 2 đến đầu tháng 5 năm 1971). 

Đại tá Nguyễn Văn Thọ- Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Dù của Ngụy (bên phải) bị quân giải phóng bắt làm tù binh trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Ảnh tư liệu BT LS QSVN.
Đại tá Nguyễn Văn Thọ- Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Dù của Ngụy (bên phải) bị quân giải phóng bắt làm tù binh trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Ảnh tư liệu BT LS QSVN.

Như vậy, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” thực sự là một bước phiêu lưu quân sự, thể hiện rõ những toan tính tham vọng chưa từng có của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Bởi ngay trong thời kì tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), khi có hơn nửa triệu quân viễn chinh Mỹ ở Nam Việt Nam làm nòng cốt, cộng với gần 600.000 quân Sài Gòn, địch lúc đó cũng chưa mở cuộc hành quân bộ binh quy mô lớn vượt biên giới ra khu vực Đường 9 - Nam Lào.

Đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch - Bước ngoặt xoay chuyển cục diện chiến trường Đông Dương

Về phía ta, ngay trong thời gian nửa đầu năm 1970, khi đế quốc Mỹ hậu thuẫn các thế lực tay sai tiến hành cuộc đảo chính tại Campuchia, xóa bỏ nền hòa bình trung lập và mở rộng chiến tranh trên bộ sang Campuchia, Bộ Chính trị đã họp nhận định: Thời gian tới, âm mưu quan trọng nhất của Mỹ là tăng cường đánh phá tuyến chi viện của cách mạng ba nước Đông Dương. 

Từ đó, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng: “Phải có kế hoạch sẵn sàng đánh bại các cuộc tấn công lớn hoặc những hoạt động lấn chiếm, bảo vệ hành lang chiến lược của ta” (Trích Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 19/6/1970).

Chấp hành chỉ đạo của Bộ Chính trị đề ra, từ mùa Hè năm 1970, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến cho mùa khô 1970 - 1971, trong đó thống nhất đánh giá: Mỹ và chính quyền Sài Gòn sẽ mở các cuộc hành quân bộ binh quy mô lớn vượt biên giới đánh phá tuyến vận tải Trường Sơn; đồng thời dự đoán địch sẽ tiến công ở ba hướng: Đường 9 - Nam Lào, vùng ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia và đông bắc Campuchia, trong đó hướng chủ yếu là Đường 9 - Nam Lào. Đây là nhận định chính xác, thể hiện rõ trí tuệ tài năng, sự mẫn cảm, nhạy bén của cơ quan tham mưu và chỉ huy chiến lược, đặt cơ sở cho toàn bộ thắng lợi về sau. 

Quân giải phóng truy kích địch tại mặt trận Đường 9-Nam Lào. Ảnh: TTXVN.
Quân giải phóng truy kích địch tại mặt trận Đường 9-Nam Lào. Ảnh: TTXVN.

Công tác chuẩn bị đối phó với âm mưu và hành động của kẻ địch được tiến hành khẩn trương, toàn diện trên tất cả các mặt, các hướng dự kiến. Riêng tại hướng chủ yếu Đường 9 - Nam Lào, ngày 31/1/1971, Bộ Chính trị chỉ thị cho Quân ủy Trung ương: Nhất thiết phải đánh thắng, dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những cuộc đọ sức có ý nghĩa quyết định về chiến lược. 

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (mật danh Mặt trận 702), đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh. Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử làm Chính ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng được cử làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo Mặt trận. 

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm nhiều đơn vị chủ lực mạnh, bao gồm: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324 và 2), 4 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo phòng không, một số tiểu đoàn đặc công cùng lực lượng tại chỗ của các mặt trận B4 (Quân khu Trị - Thiên), B5 (Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị), Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn). Tổng quân số 60.000 người. Ngoài ra, chiến dịch còn có sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ từ nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Nam Lào, nhất là tại tỉnh Savannakhet (nơi có Đường 9 chạy qua).

Chứng minh thư và các giấy tờ, tài liệu của lính Ngụy bị quân ta thu giữ trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào
Chứng minh thư và các giấy tờ, tài liệu của lính Ngụy bị quân ta thu giữ trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào

Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào bắt đầu từ ngày 30/1 và kết thúc vào ngày 23/3/1971, diễn ra vô cùng quyết liệt, chia thành 3 đợt:

Đợt 1 (30/1 - 7/2), địch điều động lực lượng ra khu vực phía bắc tỉnh Quảng Trị (hướng đông Đường 9), đồng thời tổ chức nghi binh, chuẩn bị tiến công. Ta triển khai thế trận chiến dịch, tích cực đánh nhỏ nhằm tiêu hao, làm chậm bước tiến của địch.

Đợt 2 (8/2 - 11/3), địch tổ chức vượt biên giới tiến công theo hướng chính diện bằng 3 cánh từ hướng đông (theo trục Đường 9 là chủ yếu), phối hợp với quân ngụy Lào tiến công từ phía sau (hướng tây) vào khu vực Bản Đông (Nam Lào). Ta phối với Quân giải phóng Lào chặn đánh trên toàn khu vực, từng bước bẻ gãy các cánh quân, buộc địch phải co vào phòng ngự.

Đợt 3 (12/3 - 23/3), quân ta phối hợp cùng Quân giải phóng Lào tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở phía nam Đường 9, tập trung lực lượng vây ép Bản Đông. Bị tổn thất lớn, địch hoảng loạn rút chạy; ta truy kích diệt thêm một số, kết thúc thắng lợi chiến dịch.

Kết quả toàn chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 quân chủ lực địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh và vũ khí, đập tan hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Lần đầu tiên, ta thực hành thắng lợi một chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đánh tiêu diệt một tập đoàn quân chủ lực tinh nhuệ của địch.

Tròn nửa thế kỉ đã trôi qua, song chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 sẽ còn được ghi nhớ mãi. Ảnh: TTXVN.
Tròn nửa thế kỉ đã trôi qua, song chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 sẽ còn được ghi nhớ mãi. Ảnh: TTXVN.

Với đại thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, ta đã bảo vệ được vùng giải phóng quan trọng, giữ vững hành lang vận chuyển chiến lược Bắc - Nam, so sánh lực lượng và thế tiến công của cách mạng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia được củng cố một bước vững chắc. 

Về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn, thất bại tại Đường 9 - Nam Lào 1971 đánh dấu sự phá sản của công thức chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (quân đội Sài Gòn + cố vấn Mỹ + hỏa lực và hậu cần Mỹ). Từ đây, địch không còn khả năng mở các cuộc tiến công quy mô lớn ra vòng ngoài, mà buộc phải quay về phòng ngự bị động.

Tròn nửa thế kỉ đã trôi qua, song chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 sẽ còn được ghi nhớ mãi. Nhìn lại chiến công vang dội ấy, chúng ta thêm một lần nữa thấy rõ sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn và tài thao lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; đồng thời thấy được sức mạnh to lớn của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào trong thử thách ngặt nghèo của lịch sử. Từ đó, tiếp tục coi trọng giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước, xem đây là bài học quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.