Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

69 năm ngày Giải phóng Thủ đô: Mốc son chói lọi ghi dấu sự phát triển mạnh mẽ

Trương Vui - 08:44, 11/10/2023

Những ngày này, Thủ đô Hà Nội rộn rã nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023). Nhìn lại chặng đường vừa qua, dù nhiều thăng trầm, Thủ đô Hà Nội vẫn luôn vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng tự hào, xứng đáng vai trò là Thủ đô - trung tâm về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân (Ảnh: TTXVN)
Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân (Ảnh: TTXVN)

Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô

Ngày 10/10/1954 đã trở thành thời khắc lịch sử khi Thủ đô được hoàn toàn giải phóng. 69 năm trôi qua, những kỷ niệm thiêng liêng về Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn mãi trong dòng chảy ký ức lịch sử, về thời khắc lịch sử tràn đầy cảm xúc của người dân Hà Nội, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Với người dân Hà Nội, Ngày Giải phóng Thủ đô mang trong mình ý nghĩa đặc biệt hơn cả một ngày lễ. Không chỉ vì cờ, hoa, biểu ngữ hay các điểm văn hóa, văn nghệ diễn ra trên từng tuyến phố, mà bởi sự phấn khởi, rộn rã trong lòng mỗi người.

Trong những ngày này, dưới ánh nắng vàng rực rỡ của mùa thu, các tuyến phố của Hà Nội như: Hùng Vương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ… được trang hoàng rực rỡ với cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu và áp phích để chào đón kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Với người dân Hà Nội, Ngày Giải phóng Thủ đô mang trong mình ý nghĩa đặc biệt hơn cả một ngày lễ (Ảnh: Báo Tiền phong)
Với người dân Hà Nội, Ngày Giải phóng Thủ đô mang trong mình ý nghĩa đặc biệt hơn cả một ngày lễ (Ảnh: Báo Tiền phong)

Công tác trang trí, tuyên truyền cổ động trực quan được thực hiện tại 5 cụm pano cố định ở khu vực nội thành và vùng ven cửa ngõ Thủ đô, 34 cụm pano 2 mặt trên các dải phân cách các tuyến đường khu vực trung tâm, 2 cụm pano 3 mặt tại khu vực ngã tư Trần Phú - Hùng Vương, đường Chu Văn An - Lê Hồng Phong, pano tại các trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, 58 pano có khung sắt tại phố Tràng Tiền, Tràng Thi và đường Thanh Niên…

Cùng với đó, toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn cũng thực hiện trang trí, tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Thành phố cũng tổ chức tuyên truyền trên hệ thống băng rôn dọc với 1.500 băng rôn; tuyên truyền trên hệ thống giá cờ và cụm cờ.

Pano dài được đặt trước cổng UBND thành phố Hà Nội (Ảnh: Báo Tiền phong)
Pano dài được đặt trước cổng UBND thành phố Hà Nội (Ảnh: Báo Tiền phong)

Cũng nhân dịp này, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các đêm biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân ở một số quận, huyện. Theo đó, 5 đơn vị nghệ thuật gồm: Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và Trung tâm Văn hóa Thành phố đã xây dựng mỗi đơn vị một chương trình nghệ thuật để tổ chức biểu diễn. Cùng với đó là nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật khác phục vụ nhân dân Thủ đô.

Phố Điện Biên Phủ được trang hoàng nhiều băng rôn chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Phố Điện Biên Phủ được trang hoàng nhiều băng rôn chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Các hoạt động kỷ niệm sẽ góp phần tạo không khí phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô…

69 năm vươn mình mạnh mẽ

Nhìn lại quá trình phát triển với nhiều thăng trầm của Thủ đô từ mốc son chói lọi này, càng thấy rõ điểm tựa để Hà Nội vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng tự hào, xứng đáng vai trò là Thủ đô - trung tâm về hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước như hôm nay, chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước.

Trong suốt những năm qua, Hà Nội luôn phát huy nội lực, huy động nhiều nguồn lực khác, vượt qua những khó khăn, thách thức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước và hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Hình ảnh tấm pano cỡ lớn tại đường Nguyễn Trãi (Ảnh: Báo Nhân dân)
Hình ảnh tấm pano cỡ lớn tại đường Nguyễn Trãi (Ảnh: Báo Nhân dân)

Trong lĩnh vực kinh tế, trong những năm qua, nền kinh tế Thủ đô trở thành điểm sáng về tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Năm 2021, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 2,92%. Năm 2022 tăng 8,89%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. 9 tháng 2023, suy thoái kinh tế thế giới rõ rệt, nhưng nhờ chú trọng khơi nguồn phát triển dịch vụ, kinh tế Hà Nội tốt lên từng quý (quý I tăng 5,81%, quý II tăng 5,93%, quý III tăng 6,49%).

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 305.300 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Về văn hóa, Hà Nội là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi và được biết đến là "Thành phố di sản", đồng thời xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước.

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Các hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế được mở rộng; nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, uy tín, chất lượng cao được tổ chức tại Thủ đô.

Một góc Thủ đô Hà Nội (Ảnh: TTXVN)
Một góc Thủ đô Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, du lịch là một trong những lĩnh vực được Thủ đô chú trọng phát triển và đã đạt được những kết quả ấn tượng. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Trong 9 tháng năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,9 triệu lượt, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, tăng 4 lần; khách nội địa đạt 15,7 triệu lượt khách, tăng 20,2%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Thủ đô năm 2022 giảm còn 0,095%. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 92,9% dân số; Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có bước tiến bộ rõ rệt; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện; Hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác…

Khách du lịch quốc tế lưu lại những hình ảnh tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh: TL)
Khách du lịch quốc tế lưu lại những hình ảnh tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh: TL)

Những thành tựu tự hào đã đạt được của Thủ đô không chỉ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước ghi nhận, mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tôn vinh là “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người,” “Thành phố vì hòa bình” và nay là "Thành phố sáng tạo." 

Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô tiếp tục quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế là trái tim của cả nước và ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.