Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản 9 tháng ước đạt 3,1 tỷ USD (tăng 3%) và nhóm nông, lâm, thủy sản thu về khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Cơ cấu mặt hàng ngày càng đa dạng về chủng loại, quy mô hàng hóa xuất khẩu tăng cao. Đồng thời, chúng ta cũng phát triển được một số mặt hàng mới như dụng cụ, phụ tùng, đồ chơi. Hay với rau quả, chúng ta thấy sự nổi bật của mặt hàng sầu riêng. Với dư địa dự báo còn tăng cao, đây được coi là điểm sáng và vẫn sẽ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới”.
Bà Nguyễn Cẩm TrangPhó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Với những kết quả đã đạt được, từ nay đến cuối năm 2024, hoạt động xuất khẩu được đánh giá tích cực khi Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc. Điều này thúc đẩy hoạt động xuất khẩu từ các nước ASEAN, bao gồm cả Việt Nam. Đồng thời, dòng vốn đầu tư từ Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc cũng trên đà tăng trưởng, cho thấy xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Chu kỳ nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu, được dẫn dắt bởi các ngân hàng Trung ương lớn tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiêu dùng tại các thị trường này, từ đó gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, lạm phát hạ nhiệt tại nhiều nơi trên thế giới cũng đóng góp vào sự cải thiện của tiêu dùng.
Các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về các đơn hàng xuất khẩu, FDI giải ngân… cũng hé lộ về bức tranh xuất khẩu khả quan của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Theo các chuyên gia Chứng khoán, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu của một số nhóm mặt hàng, như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày... sẽ có sự bứt phá; một số mặt hàng, như linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan nhờ sự cải thiện của bức tranh kinh tế và môi trường đầu tư toàn cầu trong thời gian gần đây.
Để bảo đảm xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro và những tác động từ việc quá tập trung vào một thị trường hay một nhà cung cấp nhất định. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần chú trọng điều hành tỷ giá ổn định và có thể dự báo được tỷ giá nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, hiện nay, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm khoảng 87-88% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm khoáng sản và nông sản chiếm khoảng 12%.
“Cơ cấu mặt hàng ngày càng đa dạng về chủng loại, quy mô hàng hóa xuất khẩu tăng cao. Đồng thời, chúng ta cũng phát triển được một số mặt hàng mới như dụng cụ, phụ tùng, đồ chơi. Hay với rau quả, chúng ta thấy sự nổi bật của mặt hàng sầu riêng. Với dư địa dự báo còn tăng cao, đây được coi là điểm sáng và vẫn sẽ là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới”, bà Nguyễn Cẩm Trang nêu rõ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2024, riêng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt gần 7,8 triệu tấn, giá trị 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2024 trung bình đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.