Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Việt Nam ký kết 3 Nghị định thư về nông, lâm, thủy sản với Trung Quốc

Hoàng Minh - 20:12, 20/08/2024

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất (Ảnh IT)
Sầu riêng là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn. (Ảnh IT)

Các Nghị định thư được ký kết lần này gồm: Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trong 3 nhóm mặt hàng vừa ký Nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.

Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 1 triệu tấn sầu riêng. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2023, sản lượng xuất khẩu chỉ dao động từ 450.000 - 500.000 tấn. Do đó, nếu có thêm phân khúc cấp đông để xuất khẩu sẽ tạo giá trị cao hơn. Sầu riêng đông lạnh cũng là giải pháp hiệu quả nếu gặp bối cảnh thị trường khủng hoảng dư thừa, cung vượt cầu.

Xuất khẩu dừa tươi được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh (Ảnh IT)
Xuất khẩu dừa tươi được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh (Ảnh IT)

Bên cạnh sầu riêng, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu lớn. Việc ký Nghị định thư đánh dấu sự kết thúc quá trình đàm phán kỹ thuật giữa hai bên, mở ra cơ hội cho dừa tươi Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc. Trong các năm 2022, 2023, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm từ dừa và liên quan tới dừa đã tiệm cận 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu trái dừa tươi đạt gần 800 triệu USD.

Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD ngay trong năm 2024, sẽ đem về kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đồng thời dự báo xuất khẩu dừa tươi sẽ càng tăng trưởng mạnh vào các năm tiếp theo.

Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong nhiều năm qua và tạo ra giá trị kinh tế lớn (Ảnh IT)
Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong nhiều năm qua và tạo ra giá trị kinh tế lớn. (Ảnh IT)

Cá sấu là sản phẩm cuối cùng trong danh sách ký kết chiều 19/8, thể hiện sự đa dạng hóa các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia khác trên thế giới. Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong hơn 30 năm qua. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác hầu hết đều có giá trị kinh tế cao.

Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.