Những khó khăn trong triển khai cho vay sản xuất, kinh doanh OCOP
Qua thực tế triển khai đã bộc lộ những vướng mắc khiến nguồn vốn ngân hàng chưa thể tiếp cận được nhiều khách hàng. Các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế dẫn tới khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn. HTX là đối tượng được cấp chứng nhận OCOP, do đó các thành viên của HTX không được cấp giấy chứng nhận OCOP riêng, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất của từng thành viên.
Bên cạnh đó, các đơn vị HTX có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều, năng lực tài chính, tài sản có giá trị thấp, mặt bằng chủ yếu đi thuê, máy móc công nghệ lạc hậu; năng lực người đứng đầu điều hành HTX chưa đáp ứng được yêu cầu; phương án/dự án thiếu tính khả thi, hiệu quả; đặc biệt khả năng tài chính của HTX và vốn góp của thành viên HTX chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy phần lớn số HTX không đủ điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, các HTX thường không có tài sản đảm bảo khi vay vốn, một số ít được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, tuy nhiên giá trị không nhiều; các thành viên góp vốn vào HTX bằng tài sản, nhưng vẫn mang tên cá nhân của người chủ sở hữu chưa chuyển tên cho HTX, gây khó khăn cho HTX trong việc sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn. Một vấn đề nữa là chế độ thống kê, kế toán còn nhiều hạn chế, ngần ngại trong việc minh bạch tình hình kinh doanh tài chính với ngân hàng, thiếu hóa đơn tài chính mua bán hàng hóa, do đó ngân hàng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm định cho vay.
Mặc dù Nghị định 55/2015/NĐ-CP có cơ chế chính sách ưu đãi về bảo đảm tiền vay bằng tài sản đối với HTX, Liên hiệp HTX với số tiền vay không phải bảo đảm bằng tài sản có thể từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/khách hàng. Tuy nhiên, chế tài xử lý đối với trường hợp khách hàng cố tình không trả nợ chưa rõ ràng, nên khó khăn cho ngân hàng khi xử lý thu hồi nợ đối với những trường hợp cho vay không có đảm bảo bằng tài sản.
Cung ứng vốn ưu đãi, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh
Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, để đẩy mạnh triển khai cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, Agribank đã đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay của Chính phủ, các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thuộc các lĩnh vực kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP có thể thể dễ dàng tiếp cận.
Với mong muốn tiếp sức cho các sản phẩm OCOP khẳng định vị thế trên thị trường, tính đến nay, Agribank đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Tại Agribank, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản với mức vay lên tới 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại); hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao); hoặc tham gia các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp.
Đặc biệt, từ 01/02/2024 đến hết 31/12/2024, Agribank đã dành 2.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP với lãi suất thấp hơn tối đa 2,0%/năm so với sàn lãi suất cho vay của Agribank.
Công ty TNHH chè Hoài Trung – Phú Thọ là doanh nghiệp điển hình về sự thành công với sản phẩm OCOP nhờ nguồn vốn vay ngân hàng. Là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn OCOP 5 sao đối với sản phẩm chè, doanh nghiệp đã có quá trình xây dựng và phát triển vô cùng khó khăn, vất vả. Agribank đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong 25 năm qua, từ số vốn vay ban đầu chỉ có 9 triệu đồng, đến nay dư nợ tại ngân hàng đã lên đến con số 10 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay Agribank, Công ty TNHH chè Hoài Trung đã 5 lần thay đổi, nâng cấp máy móc chế biến sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh thu cải thiện đáng kể.
Bà Bùi Thị Mão – Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung chia sẻ: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Agribank chúng tôi đã mạnh dạn đặt nền móng đầu tiên cho sản phẩm “Trà đinh cao cấp Hoài Trung”, đến nay nguồn vốn ấy đã được triển khai vô cùng hiệu quả, Công ty sở hữu gần 100ha chè theo tiêu chuẩn hữu cơ với hương vị đặc trưng. Để phát triển được như ngày hôm nay, tôi rất trân trọng và cảm ơn Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã luôn đồng hành, ưu tiên cho Công ty vay vốn, giảm lãi suất, giúp chúng tôi có được sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia như hiện nay.
Nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Agribank đã chủ động, linh hoạt tập trung cung ứng vốn cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô gần 200.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-2.5% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn.
Agribank hiện đang triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với nhiều đối tượng khách hàng: Cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất đối với KHCN phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô 50.000 tỷ đồng, đến nay đã có 101/171 chi nhánh triển khai, doanh số cho vay đạt 4.403 tỷ đồng; Cho vay ưu đãi đối với khách hàng DN nhỏ và vừa năm 2024, quy mô chương trình 50.000 tỷ đồng; đến nay doanh số cho vay đạt 32.414 tỷ đồng; Cho vay ưu đãi tài trợ dự án đầu tư dành cho khách hàng doanh nghiệp năm 2024, quy mô chương trình 15.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đến nay đạt 15.942 tỷ đồng; Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024, quy mô chương trình: 20.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 4.683 tỷ đồng…
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực này theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số mặt hàng nông sản có thế mạnh như lúa, gạo, cà phê, thủy sản,... cho vay liên kết đối với các sản phẩm chủ lực, có giá trị thương mại cao, tác động lan tỏa tới nền kinh tế và số đông hộ nông dân nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.