Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

An cư với “Nghị định 28”

Mai Hương - 17:06, 17/04/2023

Những căn nhà đầu tiên tại vùng Cao nguyên Đắk Lắk được xây dựng từ nguồn vốn vay hỗ trợ theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về “Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025” (gọi tắt là Nghị định 28) đang dần được hoàn thiện. Chương trình nhân văn này mở ra cơ hội mới giúp đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có cơ hội an cư, nâng cao đời sống.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo

Từ chính sách đến cuộc sống

Ước mơ về một căn nhà kiên cố, tươm tất đã trở thành hiện thực đối với gia đình ông Y Puing Hmõk ở Buôn Dhăm, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Gia đình ông là hộ nghèo DTTS, vợ thì bị bại liệt ngồi một chỗ, thiếu đất sản xuất, nguồn thu nhập chính từ việc làm thuê lò gạch và chăn nuôi nên không dám nghĩ tới việc xây dựng được một căn nhà vững chắc để ở. Được hỗ trợ kinh phí cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Ana theo Nghị định 28, sau hơn 1 tháng thi công, ngôi nhà của ông đang được hoàn thiện, đem lại niềm vui cho gia đình.

Ông Y Puing Hmõk chia sẻ: “Gia đình tôi rất khó khăn, phải sống trong căn nhà lá lụp xụp, cứ mưa là bị dột, không có chỗ để ngủ. Gia đình tôi được chính quyền các cấp cùng NHCSXH quan tâm hỗ trợ vốn vay 40 triệu đồng để dựng nhà mới. Bây giờ, tôi yên tâm hơn nhiều, trời nắng cũng như trời mưa không sợ thấm dột hay gió lùa nữa. Năm nay, có ngôi nhà mới gia đình tôi vui hơn những năm trước, an tâm hơn để chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế”.

Cũng nhờ nguồn vốn từ Nghị định 28/NĐ-CP mà ông Y Thuân Êban sau khi được vay vốn 50 triệu đồng để trồng cà phê từ chương trình hộ nghèo, thì đến tháng 12/2022 sau khi có quyết định của UBND huyện phê duyệt danh sách cho vay, ông được tổ bình xét cho vay thêm 40 triệu đồng mua 1 máy cày và 1 máy xới đất để về chuyển đổi nghề sang làm thêm dịch vụ nông nghiệp.

Bà H Rai Niê - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Buôn Dhăm xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk dẫn chúng tôi tới thăm một số hộ dân trong thôn được vay vốn theo Nghị định 28 để xây dựng nhà ở. Năm 2023 này, riêng Buôn Dhăm có 8 hộ được vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên tổng số 14 hộ trên địa bàn toàn xã, trong đó tổ của bà H Rai Niê hỗ trợ giải ngân cho 6 hộ. Hộ gia đình Y Puing Hmõk là một trong những hộ được vay vốn đầu tiên từ chương trình này.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) kiểm tra sử dụng nguồn vốn Nghị định 28 trên địa bàn huyện.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) kiểm tra sử dụng nguồn vốn Nghị định 28 trên địa bàn huyện

Ông Bùi Quang Tuyên - Giám đốc NHCSXH huyện Krông Ana cho biết, theo Quyết định phân bổ vốn năm 2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho NHCSXH huyện 5 tỷ đồng phục vụ cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP. NHCSXH huyện đã phối hợp với Phòng Dân tộc và Phòng LĐTB&XH huyện tiến hành kiểm tra, thẩm định và tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt danh sách đợt 1 với 38 hộ đủ điều kiện vay vốn. Đến nay, đã hoàn thành hồ sơ thủ tục và giải ngân vốn vay cho 21 hộ nghèo là người DTTS, với số tiền là gần 1 tỷ đồng.

Xây tiếp những ngôi nhà mơ ước

Những năm qua, thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 và Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức triển khai tích cực, góp phần giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cho nên hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chiếm tỷ lệ cao, cần được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều chương trình, dự án, chính sách.

Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Nghị định 28 của Chính phủ mở ra cơ hội mới giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có cơ hội an cư, lập nghiệp, nâng cao đời sống.
Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Nghị định 28 của Chính phủ mở ra cơ hội mới giúp đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có cơ hội an cư, lập nghiệp, nâng cao đời sống

Từ thực tế triển khai, lãnh đạo các huyện đề nghị, Trung ương và tỉnh sớm ban hành định mức cụ thể về nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đất ở, nhà ở, đất sản xuất, kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác như chuyển đổi nghề, tìm kiếm các cơ hội việc làm phi nông nghiệp. Cần có định mức hỗ trợ phù hợp với đặc thù từng vùng, miền và địa phương, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội.

Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, tổng dư nợ tín dụng cho vay theo Nghị định 28 đạt 19 tỷ đồng, với hơn 350 hộ khách hàng còn dư nợ. Đến hết tháng 3/2023, Chi nhánh đã giải quyết cho vay số tiền trên 1,6 tỷ đồng với 41 hộ nghèo là hộ đồng bào DTTS để hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà ở. Kế hoạch năm 2023, nguồn vốn phân bổ cho vay theo Nghị định 28 là 100 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào DTTS mở ra cơ hội mới giúp đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có cơ hội an cư, lập nghiệp, nâng cao đời sống.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.