Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Cao Bằng: Tín dụng chính sách - Đòn bẩy để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo

Hoàng Phúc - 14:18, 10/11/2022

Qua 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP 4/10/2002 của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tạo việc làm, giúp hàng chục nghìn hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, đời sống vật chất, tinh thần từng bước nâng cao.

 Cán bộ NHCSXH huyện Trùng Khánh trực tiếp đến kiểm tra từng hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất. Ảnh Mai Hương
Cán bộ NHCSXH huyện Trùng Khánh trực tiếp đến kiểm tra từng hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất. Ảnh Mai Hương

Trước đây, gia đình anh Ma Thế Giáp, xóm Tổng Phường, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm thuộc diện hộ nghèo. Kinh tế gia đình chỉ trông vào việc trồng ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, anh Giáp mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để phát triển kinh tế, từ đó, cuộc sống dần ổn định vươn lên khá giả.

Anh Giáp chia sẻ, với số vốn vay ban đầu là 130 triệu đồng vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, anh đã đầu tư xây chuồng trại, mua trâu về nuôi vỗ béo và chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả, sang trồng cỏ voi tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Kiên trì lấy ngắn nuôi dài, đến nay, anh đã mở rộng chuồng trại, quy mô chăn nuôi, thường xuyên nuôi 15 con trâu vỗ béo, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

“Nếu không có nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lâm, tôi khó có thể thay đổi được cuộc sống và có được kinh tế gia đình như ngày hôm nay”, anh Giáp bày tỏ.

Không riêng gì anh Ma Thế Giáp, những năm qua, hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Bảo Lâm, đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện sinh kế. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho 2.066 khánh hàng, là các đối tượng chính sách vay trên 102,9 tỷ đồng để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Ghi nhận tại huyện Quảng Hòa cũng cho thấy, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cũng đang triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến nay đạt 455 tỷ đồng với hơn 7.300 khách hàng đang vay vốn, trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Trung ương hơn 446 tỷ đồng. 

Từ nguồn vốn tín dụng của các chương trình cho vay, người dân đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều mô hình như chăn nuôi trâu vỗ béo, trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng, nuôi lợn thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó đã giúp cho 31.883 hộ thoát ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 4.148 lao động.

Đồng thời, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện cũng đã giúp cho 2.415 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 3.926 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 951 ngôi nhà cho hộ nghèo…

 Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Trùng Khánh trực tiếp đến kiểm tra từng hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất. (Ảnh Mai Hương)
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Trùng Khánh trực tiếp đến kiểm tra từng hộ gia đình vay vốn để phát triển sản xuất. (Ảnh Mai Hương)

Gia đình anh Phùng Trung Thành, tổ dân phố 4, thị trấn Hòa Thuận là một trong những hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện từ năm 2019, với số tiền gần 70 triệu đồng. Từ số tiền trên, cùng với sự giúp đỡ của người thân, anh đã xây dựng được ngôi nhà cấp 4 khang trang, diện tích 60 m2, trị giá trên 300 triệu đồng.

Anh Thành chia sẻ: Nhờ được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 100 của Ngân hàng CSXH nên gia đình tôi mới có điều kiện xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố. An cư rồi mới tập trung tăng gia phát triển kinh tế  kiếm tiền để trả nợ và ổn định cuộc sống tốt hơn được…

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/1/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh Cao Bằng cho thấy, đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ cho vay các chương trình là hơn 3.200 tỷ đồng, với 56.424 khách hàng dư nợ, bình quân dư nợ 57 triệu đồng/khách hàng, tỷ lệ nợ xấu 0,1%.

Hiện nay, mạng lưới của Ngân hàng Chính sách tỉnh Cao Bằng trải rộng khắp các địa bàn, với 161 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; 2.162 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả tại 1.462 thôn, tổ dân phố, thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội. 

Nguồn vốn vay đã được sử dụng đúng mục đích để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc địa phương. Lũy kế trong 20 năm, Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã cho trên 421.000 lượt hộ vay vốn, với tổng doanh số cho vay 9.750 tỷ đồng, doanh số thu nợ 6.518 tỷ đồng.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Hòa làm thủ tục vay vốn cho khách hàng. Ảnh Lâm Anh
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Hòa làm thủ tục vay vốn cho khách hàng. Ảnh Lâm Anh

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Việt Nam tỉnh Cao Bằng cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 421.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động; hỗ trợ trên 2.000 người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng trên 8.100 căn nhà cho hộ nghèo, xây dựng trên 200 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp... Từ đó, hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo, trở nên khá giả. Đây là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi.

Phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến năm 2030, tỉnh Cao Bằng xác định, tập trung các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Theo đó, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của Ngân hàng CSXH. Bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo đúng quy định. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH, góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Quyết liệt đấu tranh đẩy lùi “tà đạo” (Bài 2)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Quyết liệt đấu tranh đẩy lùi “tà đạo” (Bài 2)

Với đặc thù là vùng đất biên giới, địa hình phức tạp, trình độ dân trí còn hạn chế... nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, các hoạt động tà đạo, tệ nạn xâm nhập. Do vậy, việc kiên quyết đấu tranh với tội phạm, các hoạt động sinh hoạt đạo trái pháp luật...luôn được hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng công an chú trọng ngăn chặn bằng nhiều giải pháp. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS hiểu rõ cái xấu, không theo đạo lạ, chung tay giữ gìn bản làng bình yên.