Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Ấn Độ 9 ngày liền có trên 300.000 ca mắc COVID-19 mới/ngày, Thái Lan lập mốc mới về số người tử vong

PV - 11:00, 02/05/2021

Đến sáng 2/5, thế giới có trên 152,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,2 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 152,6 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Hơn 152,6 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,1 triệu ca mắc và hơn 590.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 30.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sau khi phải tạm đóng cửa trong hơn 13 tháng để phòng dịch COVID-19, các công viên giải trí hàng đầu của Walt Disney - Disneyland ở bang California, Mỹ, đã được mở cửa trở lại với sức chứa hạn chế và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Theo kế hoạch mở cửa lại theo từng giai đoạn được đăng trên trang web của Disneyland Resort, các công viên thời điểm này sẽ chỉ mở cửa cho cư dân California và theo nhóm có quy mô không quá 3 hộ gia đình tùy theo hướng dẫn của tiểu bang. Du khách được yêu cầu kiểm tra nhiệt độ bằng nhiệt kế không chạm trước khi vào một số địa điểm tại đây, bao gồm các công viên giải trí và Khu trung tâm Disney. Tất cả các khách đến Disneyland phải đặt chỗ trước. Khách thăm quan từ 2 tuổi trở lên và các diễn viên của Disney đều phải đeo khẩu trang, kể cả những người đã được tiêm vaccine COVID-19. Disneyland thông báo đã bán hết vé cho 7 tuần tới.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 19,5 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 215,5 trường hợp thiệt mạng. Ngày 2/5, Ấn Độ báo cáo trên 392.500 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất thế giới.

Đã 9 ngày liền Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày, những con số cho thấy gánh nặng, áp lực nặng nề với hệ thống y tế Ấn Độ. Nhiều trung tâm điều trị COVID-19 tạm thời đang nhanh chóng được thiết lập cùng với sự hỗ trợ vật tư y tế từ nhiều nước trên thế giới. Tại thủ đô New Delhi, lệnh phong tỏa sẽ được gia hạn thêm một tuần do số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. Giới chuyên gia dự báo, làn sóng thứ 3 tại Ấn Độ hiện sẽ lên đỉnh dịch vào giữa tháng 5.

Nhà Trắng thông báo, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ cấm hầu hết các trường hợp nhập cảnh từ Ấn độ trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-COV-2 mới gia tăng ở mức báo động ở quốc gia Nam Á này. Quy định sẽ có hiệu lực từ 4/5 tới. Theo đó, các công dân nước ngoài có mặt tại Ấn Độ trong 14 ngày trước đó sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho công dân Mỹ và một vài trường hợp miễn trừ khác. Những người này khi trở về Mỹ từ Ấn Độ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay và phải cách ly nếu chưa tiêm phòng.

Vì tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đang vô cùng phức tạp nên Australia sẽ cấm nhập cảnh toàn bộ công dân và du khách đã ở Ấn Độ trong 14 ngày qua. Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 3/5, áp dụng với cả các công dân Australia đang ở Ấn Độ. Người không tuân thủ sẽ bị phạt tiền và phạt tù lên đến 5 năm. Đây là lần đầu tiên Australia đưa ra mức phạt nặng như vậy đối với các hạn chế nhập cảnh với chính công dân nước mình. Chính phủ Australia sẽ xem xét lại các hạn chế này vào ngày 15/5.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 404.200 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 14,6 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tại châu Âu, Bồ Đào Nha đã bắt đầu mở cửa trở lại biên giới trên bộ với Tây Ban Nha. Đây là một phần trong kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa giai đoạn 4, giai đoạn cuối cùng nới lỏng phòng dịch tại Bồ Đào Nha. Nước này cũng cho phép các quán cà phê, nhà hàng và địa điểm văn hóa kéo dài thời gian hoạt động. Đám cưới, các sự kiện tập trung đông người đã được phép tổ chức. Lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia được dỡ bỏ, thay vào đó là "tình hình thiên tai, dịch bệnh" và vẫn áp dụng một số biện pháp phòng dịch.

Hungary đã nới lỏng một số hạn chế với những người có thẻ tiêm chủng. (Ảnh: AP)
Hungary đã nới lỏng một số hạn chế với những người có thẻ tiêm chủng. (Ảnh: AP)

Hungary cũng đã nới lỏng một số hạn chế với những người có thẻ tiêm chủng do Chính phủ nước này cấp. Những người đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh sẽ có đủ điều kiện nhận thẻ tiêm chủng. Chủ thẻ sẽ phải xuất trình tại các cơ sở giải trí để kiểm tra, cấp phép. Người dưới 18 tuổi có thể đi cùng chủ thẻ tiêm chủng. Đến nay, Hungary đã tiêm 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đạt khoảng 40% dân số. Đây là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao thứ 2 trong Liên minh châu Âu.

Ở một số nước Đông Nam Á, nhất là những nước có biên giới với Việt Nam như Lào và Campuchia, ngày 2/5, số ca nhiễm mới COVID-19 có xu hướng giảm so với vài ngày trước, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Các biện pháp phòng dịch ở các nước này vẫn được thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng vaccine đang được đẩy nhanh hơn với hy vọng sớm khống chế tốt làn sóng dịch mới.

Tại Lào, dù số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng giảm, ngày 2/5, nước này có thêm 64 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày duy trì ở mức 2 con số. Hầu hết các ca lây nhiễm được ghi nhận trong 24 giờ qua tập trung tại thủ đô Vietiane và tỉnh Champasak. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết, chỉ tính riêng trong ngày 30/4, đã có 38 người Việt ở khu vực Thatluang, thủ đô Vientiane có kết quả dương tính lần 1 với COVID-19. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Lào đề nghị hỗ trợ tối đa công dân Việt Nam bị nhiễm COVID-19; cử cán bộ hỗ trợ công dân về thủ tục và liên hệ với các cơ quan chức năng của Lào.

Ngày 2/5, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 388 ca mắc mới COVID-19, giảm khoảng một nửa so với 761 ca nhiễm mới vào ngày 1/5. Như vậy, tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 13.790 ca mắc COVID-19. Sáng cùng ngày, Lực lượng quân y Campuchia đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn cho khoảng 500.000 người ở nơi có mức độ lây nhiễm COVID-19 cao, còn gọi là "khu vực đỏ" thuộc thủ đô Phnom Penh. Theo kế hoạch, hơn 470.000 người dân và công nhân trên 18 tuổi ở "khu vực đỏ" sẽ được tiêm phòng COVID-19 lần này.

Thái Lan vẫn đang phải ứng phó với làn sóng dịch thứ 3 liên quan đến biến thể lây nhiễm nhanh B.1.1.7 chiếm tới 50% tổng số ca nhiễm và tử vong. Trong ngày qua, Thái Lan ghi nhận 21 ca tử vong do COVID-19, đây là số trường hợp tử vong theo ngày cao nhất tại nước này từ trước tới nay. Bộ Y tế Thái Lan cho biết, các ca tử vong được ghi nhận trong ngày 1/5 tập trung tại 10 tỉnh thành phố, trong đó thủ đô Bangkok dẫn đầu với 10 ca tử vong. Thời gian trung bình kể từ khi phát hiện đến khi tử vong của các bệnh nhận là 5 ngày.

Bộ Y tế Thái Lan cũng cho biết, làn sóng dịch bệnh thứ 3, có liên quan đến biến thể lây nhiễm nhanh B.1.1.7 nguồn gốc từ Anh, là đợt dịch lây lan mạnh nhất tại nước này. Số ca nhiễm COVID-19 mới ở quốc gia này là gần 1.900 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên hơn 67.000 người. Để ứng phó dịch bệnh, từ ngày 2/5, người dân Thái Lan đã có thể đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng gồm 16 triệu người, là những trên 60 tuổi hoặc người có bệnh lý nền như tiểu đường.

Cùng ngày, Chính phủ Malaysia cho biết đang cân nhắc kéo dài lệnh hạn chế di chuyển tại một số bang có số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến. Trong hơn nửa tháng qua, số ca nhiễm theo ngày tại Malaysia đều ở mức trên 2.000 trường hợp với các ổ dịch mới xuất hiện tại các khu vực dân cư, trường học. Malaysia đã triển khai hệ thống cảnh báo sớm nhận diện điểm nóng để xác định các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng dịch, hạn chế đến những nơi đông người.