Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

An Nhơn (Bình Định): Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, chính quyền đùn đẩy trách nhiệm?

T.Đại - N. Triều - 11:53, 17/05/2021

Từ nhiều năm nay, hơn 50 hộ dân sống tại khu vực Vĩnh Phú, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn (Bình Định), phải hít thở bầu không khí ô nhiễm do hoạt động của Công ty Cổ phần Công nghệ hữu cơ Thái An (Công ty Thái An). Tình trạng này đã được người dân kiến nghị với chính quyền cơ sở và các ngành chức năng, nhưng các bên lại đang "đá bóng" trách nhiệm cho nhau.

Xưởng sản xuất của Công ty Thái An chứa đầy phân gà nhưng không được che chắn, gây ô nhiễm môi trường
Xưởng sản xuất của Công ty Thái An chứa đầy phân gà nhưng không được che chắn, gây ô nhiễm môi trường

Sống chung với ô nhiễm

Thời gian gần đây, Báo Dân tộc và Phát triển nhận được phản ánh của người dân phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa phương. Những ngày đầu tháng 5, phóng viên đã về địa phương để tìm hiểu thực tế. 

Ngay từ đầu khu dân cư đã ngửi thấy mùi hôi nồng nặc. Người dân tại đây cho biết: Công ty Thái An thường xuyên nhập phân gà tươi và xuất thành phẩm từ đêm khuya cho đến khoảng 6 giờ sáng. 

“Mấy năm nay phải chịu đựng mùi hôi thối, chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Người lớn hít vào thì bị đau đầu, người già và trẻ con thì nôn ói, phải đóng cửa cả ngày. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng chưa thấy xử lý”, một người dân bức xúc nói.

Theo quan sát của phóng viên, tại Công ty Thái An, khu vực trại nuôi gà và sản xuất phân vi sinh có tổng diện tích gần 45.000 m2, trong đó khu vực sản xuất phân vi sinh khoảng 15.000 m2 với 2 nhà xưởng đặt máy sản xuất và đóng gói. Riêng khu vực sản xuất phân tập kết khoảng 100 tấn nguyên liệu đang được xử lý bằng cách ủ men vi sinh và vôi, nằm lộ thiên giữa khu đất rộng.

Ông Nguyễn Văn Bửu, ở khu vực Vĩnh Phú, tỏ ra bức xúc: Mấy năm nay, hàng trăm con người sống ở khu vực này phải khổ sở vì ô nhiễm. Thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường thì ngày càng nhiều. 

"Người dân kiến nghị chính quyền thì không thấy ai xử lý. Chúng tôi ngày càng mất tin tưởng vào cách làm việc của chính quyền địa phương. Không biết người dân phải chịu cảnh này bao lâu nữa?", ông Bửu nói.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Bửu, ông Nguyễn Văn Hồng ngậm ngùi chia sẻ: Người dân phản ánh thì mặc kệ, công ty này vẫn hoạt động ngày đêm, không những thế còn mở rộng thêm nhà xưởng. Người dân bất lực, sống chung với ô nhiễm. Hầu như ai cũng bị bệnh về đường hô hấp, có những hôm đang ăn cơm mà có cơn gió thổi thốc qua là cả nhà như muốn nôn hết, không ai có thể ăn uống được. 

"Chúng tôi chỉ mong chính quyền sớm vào cuộc, buộc doanh nghiệp phải xử lý môi trường, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân chúng tôi", ông Hồng kiến nghị.

"Đá bóng" trách nhiệm!

Theo tìm hiểu của phóng viên, vị trí Công ty Thái An nằm trên địa bàn phường Nhơn Mỹ, giáp ranh với phường Nhơn Thành; còn Khu dân cư Vĩnh Phú lại thuộc địa bàn phường Nhơn Thành. Vậy nên, chính quyền quản lý khu dân cư Vĩnh Phú có tiếp nhận phản ánh của người dân nhưng không thể xử lý; còn chính quyền nơi Công ty Thái An đứng chân lại... không nhận được ý kiến của người dân!.

Trao đổi với phóng viên ông Bùi Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Thành, khẳng định, phường có nhận được đơn phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, công ty này lại nằm trên địa bàn xã Nhơn Mỹ nên phường không thể nào xử lý được. 

"Thời gian trước, các cơ quan chức năng có kiểm tra, và yêu cầu Công ty Thái An phải khắc phục để đảm bảo môi trường trong lành cho người dân. Tới đây, chúng tôi sẽ có văn bản trình lên cấp trên để giải quyết dứt điểm tình trạng này", ông Sơn cho biết.

Người dân bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường
Người dân bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch phường Nhơn Mỹ cho biết: Hiện phường chưa nhận được đơn thư khiếu nại gì, từ Nhân dân trên địa bàn xã về việc Công ty Thái An gây ô nhiễm môi trường. 

"Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, vừa qua, chúng tôi đã thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra, yêu cầu công ty phải đảm bảo vệ sinh môi trường, che đậy để không làm ảnh hưởng đến khu dân cư", ông Tuấn nói.

Về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã An Nhơn cho biết: Phòng đã yêu cầu UBND xã Nhơn Mỹ và phường Nhơn Thành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với Công ty Thái An để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; tuyên truyền vận động, giải thích để người dân hiểu, tránh gây bức xúc; đề nghị công an thị xã tăng cường theo dõi, kiểm soát phương tiện vận chuyển chất thải. 

Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, thì phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cấp có thẩm quyền kiểm tra toàn diện, nếu có sai phạm sẽ đình chỉ sản xuất.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty Thái An gây ra là rất nghiêm trọng. Trong khi các ngành chức năng “đá bóng” trách nhiệm cho nhau, thì hằng ngày, hằng giờ, người dân phải ghánh chịu ô nhiễm môi trường và đối diện nguy cơ bệnh tật. Đề nghị các ngành chức năng thị xã An Nhơn và của tỉnh Bình Định nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty Thái An gây ra, tránh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.



Tin cùng chuyên mục
Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Công ty Cổ phần Tấn Phát chậm chi tiền tài trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hồi bỗng dưng “mang nợ”

Trong quá trình thi công Thủy điện Plei Kần, Công ty Cổ phần Tấn Phát cam kết tài trợ huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) 3 tỷ đồng để làm cầu treo qua sông Pô Kô phục vụ Nhân dân đi lại sản xuất. Tuy nhiên, cầu treo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã gần 3 năm mà Công ty vẫn chưa chi đủ số tiền tài trợ. Việc này khiến cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Ngọc Hồi - đơn vị được UBND huyện giao làm chủ đầu tư, bỗng dưng “mang nợ”. Bởi chủ đầu tư không có tiền để thanh toán cho đơn vị thi công.