Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

An ninh mạng trong thời đại thương mại điện tử

PV - 14:28, 13/08/2018

Trong bài nghiên cứu đăng trên trang web của Viện Chính sách công và các vấn đề toàn cầu của Canada, tác giả Goran Samuel Pesic-chuyên gia về các vấn đề chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh-chỉ ra rằng, hiện nay tội phạm mạng đang phát triển theo cấp số nhân, nhanh tới mức các cơ quan chức năng của Canada khó có thể triển khai các biện pháp đối phó.

Ông Pesic nhấn mạnh, công nghệ phát triển kéo theo các mối đe dọa trực tuyến ngày càng phức tạp hơn. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ và một số doanh nghiệp hiện chưa thay đổi tư duy về mạng internet cũng như không có biện pháp bảo vệ thích đáng.

Vấn đề an toàn bảo mật trên không gian mạng internet nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả. Vấn đề an toàn bảo mật trên không gian mạng internet nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả.

Chuyên gia này cho rằng, thương mại điện tử là lĩnh vực đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh mạng nhiều nhất, bao gồm cả những ảnh hưởng đến tính riêng tư, chủ quyền dữ liệu, vị trí của các trung tâm dữ liệu, an ninh dữ liệu và luật pháp. Cách đây 30 năm, chỉ có 32% giá trị thị trường của 500 công ty dựa trên các tài sản vô hình, chủ yếu là sở hữu trí tuệ. Ngày nay, con số này là 80%, đặt ra vấn đề bảo vệ những tài sản này trước nguy cơ bị tội phạm mạng đánh cắp là điều quan trọng. Do đó, an ninh mạng nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có tầm quan trọng lớn hơn đối với doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả.

Theo ông Pesic, các doanh nghiệp thương mại điện tử phải tự bảo vệ mình bằng cách đảm bảo an ninh cho hệ thống máy tính, kênh truyền thông, máy chủ và mã hóa dữ liệu của khách hàng. Bảo vệ nên bắt đầu với các chiến dịch giáo dục về phạm vi và các loại rủi ro xâm nhập khu vực thương mại điện tử và các thành phố thông minh bằng cách sử dụng mạng internet.

Các doanh nghiệp có thể thực hiện các bước đánh giá rủi ro, xây dựng các chính sách an ninh, thiết lập một điểm giám sát an ninh duy nhất, thiết lập quá trình xác thực sử dụng sinh trắc học, kiểm tra an ninh và duy trì một hệ thống báo cáo khẩn cấp. Chính phủ có thể hỗ trợ an ninh mạng cho các doanh nghiệp thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức, cung cấp các khoản tín dụng thuế để bù đắp chi phí của các biện pháp an ninh và cung cấp các khoản cho vay ưu đãi và các hợp đồng bảo hiểm từ các tổ chức của chính phủ.

Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts về tác động của các thành phố thông minh, trong tương lai gần, các thành phố sẽ chiếm gần 90% tăng trưởng dân số toàn cầu, 80% sự giàu có và 60% tổng năng lượng tiêu thụ. Thành phố thông minh sẽ mang lại những cơ hội làm ăn thuận lợi cho các doanh nghiệp, giải quyết hiệu quả một số vấn đề như quản lý-kiểm soát giao thông, tối ưu hóa các lưới điện địa phương và khu vực…Tuy nhiên, trong sự phát triển của các thành phố thông minh, việc kết nối mạng internet là "miếng mồi ngon" đối với tội phạm mạng. Trong khi đó, các thành phố thông minh vẫn đặt ưu tiên thấp đối với vấn đề bảo mật trên mạng.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng số lượng người dùng và thiết bị kết nối internet là sự gia tăng các vụ tấn công mạng kể cả về số lượng, quy mô, lẫn hình thức tấn công ngày càng tinh vi. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đã ghi nhận và điều phối xử lý gần 10.000 vụ tấn công website, trong đó gần 50% là các sự cố về phát tán mã độc thông qua những lỗ hổng bảo mật.

Gần đây, các chuyên gia an ninh mạng đã đưa ra cảnh báo về lỗ hổng bảo mật trên các thiết bị sử dụng wifi mà tin tặc có thể dễ dàng bẻ khóa. Từ đó, tin tặc có thể dễ dàng lấy cặp được thông tin như: tin nhắn, tài khoản mạng xã hội, thư điện tử... ngay cả khi người dùng sử dụng mạng wifi ở nhà.

Nguy hiểm hơn, nếu người dùng sử dụng thiết bị điện tử cầm tay để thực hiện các giao dịch tài chính như chuyển khoản, thanh toán các dịch vụ… thì số tài khoản và mật khẩu sẽ dễ dàng bị tin tặc đánh cắp.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra hồi tháng 6/2018, Quốc hội thông qua dự án Luật An ninh mạng, với số phiếu tán thành cao. Việc ra đời Luật An ninh mạng, là vấn đề cấp thiết để điều chỉnh các mối quan hệ trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

DT (TỔNG HỢP )

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.