Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

An sinh xã hội cho lao động tự do: Lỗ hổng lớn

PV - 10:01, 02/05/2019

Từ nhiều năm nay, vùng Đông Nam bộ đã hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Với những lợi thế đó, Đông Nam bộ được xem là “miền đất hứa” cho người dân ở các vùng quê nghèo, đặc biệt là đồng bào DTTS muốn thoát ly quê hương lập nghiệp, đổi đời. Tuy nhiên, người lao động tự do này lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những rủi ro, biến động. Vì vậy, rất cần có những giải pháp cụ thể, những chính sách an sinh xã hội cho đối tượng lao động này.

Rủi ro tiềm ẩn

Trong căn gác trọ rộng chừng 20m2, với vô số đồ đạc, quần áo treo bất cứ chỗ nào có thể, góc trong cùng là chiếc giường 1,6m, với đồ chơi trẻ con bày bừa bộn-không gian chật hẹp ấy là nơi sinh hoạt hằng ngày của vợ chồng chị Thạch Yến Lan, dân tộc Khmer, quê ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) và đứa con 3 tuổi. Theo chồng lên quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh đã được 4 năm, công việc của chị Lan chủ yếu là làm thuê, rồi trông trẻ, mỗi tháng thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Chồng chị làm công nhân khu công nghiệp cách đó 3km, thu nhập hằng tháng khoảng 5 triệu đồng. Với mức thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 10 triệu đồng, chị Lan tằn tiện chỉ đủ trang trải cuộc sống, nếu ốm đau sẽ không biết xoay đâu ra tiền mua thuốc.

Người lao động di cư tại các khu công nghiệp luôn phải tằn tiện chi tiêu để đủ trang trải cuộc sống. Người lao động di cư tại các khu công nghiệp luôn phải tằn tiện chi tiêu để đủ trang trải cuộc sống.

Còn với trường hợp của Nông Thị Hằng công nhân Công ty TNHH Kollan-Khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) lẽ ra ở độ tuổi 20, Hằng phải có cuộc sống sôi nổi với nhiều hoạt động. Nhưng cuộc sống của Hằng đơn điệu với một quy trình lập sẵn ngày nào cũng như ngày nào. Sáng đến công ty, chiều tan tầm về đi chợ nấu ăn rồi ngủ. “Làm công nhân cực lắm, nhiều đợt tăng ca phải làm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, mỗi ca chỉ có một tiếng đồng hồ để ăn cơm và nghỉ ngơi, có lúc hoa mắt chóng mặt muốn ngất xỉu. Doanh nghiệp thì luôn có lý do để chấm dứt hợp đồng hay vi phạm quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT). Vì cuộc sống mưu sinh nên chúng em đành chấp nhận sống tạm như vậy thôi”, Hằng cho biết.

Theo Hằng thông tin, quê em ở tận Chợ Mới (Bắc Kạn), theo bạn vào trong này làm công nhân. Bố mẹ đau ốm, em trai đang học THPT nên mọi chi tiêu của gia đình đều trông chờ vào em. Tổng thu nhập của Hằng được khoảng 6-7 triệu đồng/tháng thì đã phải chi tiền thuê nhà trọ, điện, nước, ăn uống đã mất gần 3 triệu đồng, số tiền gửi về nhà cho bố mẹ cũng không được là bao.

Cần một chính sách an sinh xã hội bền vững

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, qua khảo sát thực tế cho thấy, có những khoảng trống về pháp luật trong chính sách với lao động di cư. Ví dụ, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, gây khó khăn cho người lao động khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản.

Cụ thể, lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ khó tiếp cận BHXH tự nguyện và BHYT. Hai chế độ chính sách các lao động nữ di cư quan tâm nhất khi đi làm xa là chế độ nghỉ thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp nhưng họ lại khó tiếp cận. Ngoài ra, nhiều công ty cũng chưa có chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất dành riêng cho người lao động tạm trú ngắn hạn.

Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, cơ quan này hỗ trợ thực hiện nghiên cứu về bảo đảm quyền an sinh xã hội với lao động di cư xuất phát từ thực tế. Hiện nay, số lao động đổ về các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vùng miền rất lớn, đặc biệt là lao động nữ. Vấn đề tiếp cận quyền an sinh xã hội của lao động nữ cũng rất quan trọng. Ví dụ, ngoài quyền tiếp cận an sinh xã hội của bản thân họ về các dịch vụ y tế, việc làm, còn có quyền giáo dục, y tế cho con họ.

Trên cơ sở nghiên cứu này, AFV đề xuất với các cơ quan liên quan, nhà hoạch định chính sách có giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền an sinh xã hội với người lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng. Đặc biệt, ông mong muốn, bản thân lao động nữ di cư cũng tự nhận thức, nâng cao hiểu biết của họ về quyền của họ, để họ chủ động tiếp cận và thực hiện.

“Về lâu dài, cần điều chỉnh việc quản lý người dân thông qua hộ khẩu bằng việc quản lý qua thẻ căn cước công dân. Bên cạnh đó, tuyên truyền chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ di cư rất quan trọng. Lao động nữ di cư mới chỉ tập trung kiếm thu nhập chứ chưa quan tâm nhiều tới quyền lợi an sinh xã hội của mình. Do đó, cần có cách truyền thông phù hợp, thu hút họ tham gia và hưởng quyền cơ bản về an sinh xã hội”, ông Việt Anh nhấn mạnh thêm.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, có những khoảng trống về pháp luật trong chính sách với lao động di cư. Ví dụ, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, gây khó khăn cho người lao động khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản.” Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)

BẰNG GIANG