Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Trái vải thiều Việt Nam trên kệ hàng quốc tế

Minh Nhật - 17:43, 25/07/2025

Việc đưa trái vải Việt Nam vào hệ thống bán lẻ lớn tại Mỹ không chỉ là thành công về thương mại mà còn khẳng định giá trị chuỗi cung ứng nông sản thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa đơn vị thu mua và nhà sản xuất. Để đưa trái vải vào hệ thống bán lẻ quốc tế.

Thị trường vải thiều toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt mức 8,79 tỷ USD vào năm 2028. Ảnh TIN
Thị trường vải thiều toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt mức 8,79 tỷ USD vào năm 2028. Ảnh TIN

Theo thông tin của Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), tháng 7/2025 trái vải thiều của Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trên kệ hàng của chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất nước Mỹ là Costco (với 635 siêu thị tại Mỹ và Canada).

Công ty Dragonberry Produce là một trong những đơn vị nhập khẩu nông sản cao cấp hàng đầu tại Mỹ thực hiện phân phối sản phẩm này, còn Golden Lychees là tên thương hiệu dành cho giống vải thiều Việt Nam được canh tác theo quy trình GlobalGAP. Sau khi chiếu xạ tại Việt Nam, trái vải được vận chuyển bằng đường biển đến Mỹ, giữ trọn độ tươi ngon và bảo đảm các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt của Mỹ. Đây là năm thứ ba liên tiếp Dragonberry Produce đưa loại trái cây đặc sản này vào Mỹ.

Trong bối cảnh vải thiều Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh từ nhiều quốc gia khác, sự kiện này càng có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển tải thông điệp tiêu chuẩn, chất lượng đến người tiêu dùng thế giới.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, thị trường vải thiều toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt mức 8,79 tỷ USD vào năm 2028 nhờ nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường quốc tế và sự bùng nổ sản xuất tại khu vực châu Á.

Trong đó, Trung Quốc là quốc gia sản xuất và xuất khẩu vải thiều lớn nhất thế giới với sản lượng hằng năm đạt khoảng 2 triệu tấn. Ngoài ra, vải thiều cũng được trồng ở Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines, đóng góp vào nguồn cung trong khu vực và tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế.

Công ty Dragonberry Produce đã làm việc trực tiếp với các hợp tác xã và doanh nghiệp Việt Nam nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Dự kiến, công ty sẽ mở rộng hợp tác sang các loại trái cây khác như nhãn, thanh long, chanh leo nhằm gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam.

Hiện nay, nhiều siêu thị hàng đầu thế giới đang đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung nông sản và Việt Nam được đánh giá là có nguồn nguyên liệu phong phú, đủ khả năng để cung ứng hàng cho thế giới.

Tuy nhiên, để đưa được sản phẩm vào hệ thống bán lẻ nước ngoài thì hợp tác xã, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm dịch động vật, thực vật, thực hiện truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin về lao động, môi trường.

Do đó, yêu cầu đặt ra là cần hợp tác với các quốc gia nhập khẩu để triển khai công nghệ, kỹ thuật phù hợp, ứng dụng ngay từ khâu sản xuất, chế biến đến thu hoạch, tiêu thụ.

Đặc biệt, nông dân, doanh nghiệp cần tiên phong trong xu hướng chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để đáp ứng “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu. Khi đó, sự xuất hiện của nông sản Việt Nam ở các kệ hàng quốc tế sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc sản phẩm, từ đó định vị thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho từng sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục
TP. Cần Thơ: 2.153 doanh nghiệp đã được cấp phép thành lập mới

TP. Cần Thơ: 2.153 doanh nghiệp đã được cấp phép thành lập mới

Trong 6 tháng năm 2025, TP. Cần Thơ đã cấp Giấy phép thành lập mới 2.153 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 11.113 tỷ đồng, tăng 37,22% về số lượng doanh nghiệp. 3 tuần sau khi hợp nhất với Hậu Giang, Sóc Trăng, lãnh đạo TP. Cần Thơ mới đã tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp để nghe phản ánh, hiến kế phát triển.