Mới từ sáng sớm, các chàng trai, cô gái từ khắp các thôn bản trong trang phục dân tộc truyền thống đã rủ nhau đi trẩy hội Xuân. Nơi tập trung đông nhất là các điểm du lịch, quảng trường trung tâm huyện hay trung tâm các xã. Họ đến tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá, các trò chơi dân gian truyền thống. Dip này cũng là cơ hội để các chàng trai, cô gái tìm hiểu nhau, xây dựng hạnh phúc đôi lứa. Vì vậy, ai ai cũng mặc bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhiều màu sắc của dân tộc mình đi chơi Tết. Hoà vào không khí mùa Xuân là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với hoa đào, hoa mận, hoa cải bung nở trải dài dọc theo các tuyến đường quốc lộ 4C, Tỉnh lộ 176 và trên những triền núi đá. Bởi vậy mà mỗi dịp Tết đến, Xuân về, vùng Cao nguyên đá Đồng Văn luôn đón lượng lớn du khách khắp nơi đến tham quan.
Chị Hoàng Mỹ Hạnh đến từ thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Dịp Tết năm nay, gia đình chúng tôi chọn đi du lịch Hà Giang vì nơi đây phong cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ và nét văn hoá truyền thống giàu bản sắc của nhiều dân tộc. Tuy thời tiết có giá lạnh nhưng bù lại, chúng tôi được thưởng thức được các món ăn ngon và chụp nhiều ảnh đẹp về trang phục của dân tộc Lô Lô, Dao, Mông”.
Ấn tượng nhất đối với du khách đó là hoa mai anh đào tại xã Lũng Cú đang nở đẹp và dòng sông Nho Quế hiền hoà, xanh biếc. Làng văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi thanh bình, mang đậm dấu ấn của đồng bào dân tộc Mông. Vì vậy, rất nhiều du khách đã lựa chọn Cao nguyên đá Đồng Văn là điểm đến yêu thích trong dịp Tết Ất Tỵ vừa qua và Xuân mới này.
Được biết, để khai thác du lịch phát triển bền vững, từ năm 2010 đến nay, cấp ủy, chính quyền các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc địa phương. Các địa phương này đã đề ra nhiều giải pháp để bảo vệ cảnh quan tự nhiên của Cao nguyên đá cũng như các nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà con người nơi mảnh đất biên cương đã tạo ra, như: Tổ chức giáo dục kỹ năng sống gắn với đưa văn hoá truyền thống vào giảng dạy trong trường học; Duy trì tổ chức các lễ hội văn hoá truyền thống; Làm tốt bảo tồn các làng văn hoá du lịch cộng đồng, các hoạt động chợ phiên và kiến trúc nhà ở truyền thống; Triển khai canh tác trồng ngô trên nương đá, khai thác vật liệu xây dựng theo quy hoạch một cách bền vững không làm ảnh hưởng đến cảnh quan nguyên bản của Công viên địa chất. Xây dựng kế hoạch bảo tồn các thương hiệu tiêu biểu, như: Mật ong bạc hà, rượu ngô men lá, thịt bò vàng, lợn đen Lũng Pù; triển khai quy hoạch các vùng trồng hoa tam giác mạch, trồng rau an toàn để phục vụ nhân dân và du khách. Từ đó sẽ là cơ hội để nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát giảm nghèo bằng dịch vụ du lịch, bán, trao đổi các sản phẩm địa phương.