Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, nâng cao hiệu quả cây trồng

PV - 15:31, 11/09/2018

Để thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nhất là thực trạng biến đổi khí hậu, gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi, ở nhiều địa phương tỉnh Quảng Bình, người nông dân đã chủ động thay đổi trong tư duy, nghiên cứu, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Điển hình như nông dân xã Phú Định, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đầu tư áp dụng công nghệ Israel tưới nhỏ giọt cho cây trồng, nhất là cây hồ tiêu.

Cây hồ tiêu ở huyện Bố Trạch phát triển tốt nhờ tưới theo công nghệ Israel. Cây hồ tiêu ở huyện Bố Trạch phát triển tốt nhờ tưới theo công nghệ Israel.

Ông Lê Văn Khuyến, thôn Sơn Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch cho biết, gia đình ông có gần 7 sào trồng hồ tiêu, luôn phải lo lắng vì hạn hán thường xuyên xuất hiện. Qua nghiên cứu về công nghệ Israel tưới cho cây trồng, gia đình đã bắt đầu áp dụng mô hình này từ năm 2016. “Qua áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt này, tôi thấy rất tiện lợi, bởi vừa tiết kiệm được nguồn nước, nhất là những ngày “đại hạn”; tiết kiệm được nhân công, thời gian và giảm bớt được chi phí đầu tư ban đầu. Phương pháp tưới này còn giúp cây hồ tiêu tròn hạt và cho sản lượng cao hơn bình thường do lượng nước được cung cấp đầy đủ và đồng đều”.

Theo ông Khuyến, mô hình tưới nhỏ giọt gồm một đường ống có cấu trúc rất đặc biệt, được lắp đặt hệ thống tưới có 3 bộ phận: máy bơm, bộ điều khiển trung tâm, hệ thống dây nhỏ giọt được đặt chạy dài theo các luống tiêu. Trên đường ống, tại những điểm nhỏ giọt nước đều có áp lực nhỏ như nhau để luôn giữ lượng nước đồng đều khi tưới, chống xói lở và tăng độ ẩm cho đất, giúp cây tiêu phát triển tốt đều nhau. Chỉ cần vận hành trong vòng thời gian ngắn là đủ lượng nước cho cây sinh trưởng và phát triển.

Khác với phương pháp tưới truyền thống, tưới nhỏ giọt chỉ cần mở van thì tất cả các luống tiêu được tơi đều, giúp cho đất luôn tươi xốp, giữ được độ ẩm lâu. Bên cạnh đó, hệ thống tưới nước nhỏ giọt còn giúp người trồng tiêu giảm được chi phí cũng như tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Ông Lê Văn Khuyến chia sẻ thêm: Trước đây, mỗi lần bón phân cho cây tiêu, gia đình ông thường rắc phân trên bề mặt gốc tiêu, sau đó tưới nên phân không ngấm sâu, một lượng lớn phân đã theo nước thất thoát. Mặt khác, còn làm xói mòn bộ rễ nên làm cho cây tiêu mất sức, năng suất giảm, nhưng với hệ thống tưới nước nhỏ giọt với áp lực của máy bơm sẽ đưa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ bồn chứa vào hệ thống nước và đưa tới vị trí đầu tưới nhỏ giọt, giúp tận dụng tối đa lượng phân bón, hiệu quả cũng được nâng cao.

Ở thôn Tân Đinh, gia đình ông Lê Quang Lợi cũng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt này để tưới cho hơn 1ha hồ tiêu trên diện tích gò đồi của gia đình. Theo ông Lợi việc tưới theo công nghệ này vừa tiết kiệm được nước, giảm chi phí ngày công, bên cạnh đó, ông chủ động được thời gian và lượng nước tưới nên cây trồng không bị khô quá hoặc úng nước nên cho năng suất cao. Nếu như trước đây, với diện tích 1ha hồ tiêu năng suất sản lượng chỉ đạt 3,5 tấn/ha/năm, thì từ khi tiến hành tưới theo công nghệ Israel năng suất vượt trội có thể đạt hơn 5 tấn/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định cho biết: Cây hồ tiêu được xem là cây trồng chủ lực của người dân xã Phú Định với diện tích toàn xã khoảng 35ha. Nhiều năm qua, chính quyền đã khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng hồ tiêu trên các vùng đất gò đồi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc. Đặc biệt, là sử dụng mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel vừa tiết kiệm nguồn nước, sản lượng tăng trên đơn vị diện tích…

Chính quyền cũng đang tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình tưới này để áp dụng cho các loại cây trồng khác như ổi, cam, bưởi… nhằm tiết kiệm nhân công, giải quyết nguồn nước khan hiếm vào mùa Hè, đồng thời tăng năng suất, sản lượng cây trồng trên cùng đơn vị diện tích.

Theo nhiều người trồng tiêu ở Phú Định để xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt phải bỏ ra chi phí khá lớn, nếu gia đình nào không có điều kiện thì sẽ khó thực hiện mô hình. Vì vậy, người nông dân mong muốn, các cấp chính quyền có giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư kinh phí, lãi suất ưu đãi để nhiều hộ có thể áp dụng mô hình.

THU THẢO

Tin cùng chuyên mục