Để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, tăng cường bảo vệ sức khỏe cho người dân, từ năm 2015, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, Chống tác hại của thuốc lá, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã và đang triển khai thành công 2 phương pháp cai nghiện thuốc lá cho người bệnh. Cụ thể, phương pháp không dùng thuốc: kết hợp giữa nhĩ châm và dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng. Nhĩ châm là phương pháp tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh. Cơ chế của nhĩ châm cai thuốc lá chính là điều hòa lại khí huyết, cân bằng âm dương để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra. Với phương pháp dưỡng sinh luyện thở Nguyễn Văn Hưởng hỗ trợ luyện thở cho những người hút thuốc lá gặp chứng bệnh viêm phổi tắc nghẽn.
Theo Bs. Bùi Duy Anh Phòng QLCLBV (Phòng Hỗ trợ và tư vấn cai nghiện thuốc là), đối với phương pháp điều trị thuốc truyền thống, bệnh nhân được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng viên ngậm BTL/trà nhúng BTL nhằm hỗ trợ quá trình điều trị và làm giảm hội chứng cai cho bệnh nhân. Bên cạnh hội chứng cai nghiện thuốc lá gồm kích thích, bồn chồn, khó chịu, cáu gắt, mất ngủ, khó tập trung còn có các triệu chứng khác được ghi nhận xuất hiện sau khi bỏ thuốc lá như ho, khô miệng, đau rát họng, đau đầu, buồn nôn.
Để triển khai áp dụng 02 phương pháp cai nghiện trên, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã thành lập thêm Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá đặt tại Khoa Khám bệnh. Hiện nay, 2 phương pháp cai nghiện thuốc lá được triển khai tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người bệnh. Tuy nhiên, để việc cai thuốc lá thành công còn phụ thuộc rất lớn vào ý chí, sự quyết tâm của mỗi người.
Theo báo cáo số liệu của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), trong năm 2022, trên toàn thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, giảm so với 1,32 tỷ người trong năm 2018. Con số này dự kiến giảm xuống 1,27 tỷ người vào năm 2025, tương đương mức giảm khoảng 50 triệu người trong giai đoạn 7 năm, ngay cả khi dân số toàn cầu gia tăng. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên trên thế giới dự kiến giảm xuống còn 20% vào năm 2025.