Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Áp lực bán mạnh, thị trường chứng khoán nhuộm sắc đỏ

PV - 19:08, 06/07/2021

Chỉ 5 phút sau khi chốt phiên ngày 6/7, sắc đỏ bất ngờ lan mạnh trên diện rộng khiến chỉ số hai sàn đều giảm. Trong đó, chỉ số VN-Index rớt mạnh và mất mốc 1.400 điểm một cách nhẹ nhàng. Nhiều chuyên gia tài chính – chứng khoán bất ngờ khi TTCK lao dốc ngoài dự đoán.

TTCK bất ngờ đỏ sản cuối phiên khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng
TTCK bất ngờ đỏ sản cuối phiên khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng

Theo dự đoán của các chuyên gia tài chính – chứng khoán, TTCK sẽ giảm nhưng có thể vào giai đoạn giữa tháng 7. Bởi nhiều ngày qua, TTCK liên tục lình xình, thường tăng vào đầu phiên và đi ngang vào cuối phiên. Tuy nhiên, vào 5 phút cuối phiên ngày 6/7, sắc đỏ bỗng lan rộng trên cả hai sàn chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, không kịp trở tay.

Theo đó, VN-Index lao dốc mất 56,34 điểm, xuống còn 1.354,79 điểm; khối lượng giao dịch trên 803,157 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 28.673 tỷ đồng. Tại sàn HNX, chỉ số HNX-Index mất 9,25 điểm, xuống còn 318,51 điểm; khối lượng giao dịch đạt hơn 167,483 triệu cổ phiếu, tương đương gần 4.135 tỷ đồng.

Đáng chú ý tại sàn HOSE, 10 cổ phiếu rớt giá mạnh nhất trong ngày 6/7 chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng và những cổ phiếu có vốn hóa mạnh nhất như VHN, TCB, VIC, VCB, CTG, HPG, VNM, MSN, PLX, ACB.

Chuyên gia chứng khoán – tài chính Lê Vương Hùng, Giám đốc khối cá nhân CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết: “Đến thời điểm này, tôi vẫn bất ngờ khi thị trường lao dốc quá nhanh do lâu nay thị trường đi ngang, có tăng nhưng cũng chỉ tập trung ở một số cổ phiếu vua và không lan tỏa đều ở các cổ phiếu khác. Theo đó, lực mua cũng không đủ mạnh để làm rung lắc thị trường. Mặc khác, trước đó vẫn chưa có thông tin tiêu cực nào xuất hiện để có thể tác động đến thị trường. Hiện nay, lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp; lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ; kết quả báo cáo quý 2 của các doanh nghiệp có vốn hóa lớn vẫn rất tốt”.

Tuy nhiên, chuyên gia Lê Vương Hùng cho rằng, có thể giá của các cổ phiếu bị bán mạnh đã không còn rẻ, đã đến lúc các nhà đầu tư có thể chốt lời và bán mạnh tay khiến thị trường lao dốc trong 5 phút cuối. Điều đáng nói, do thị trường chứng khoán hiện nay margin (giao dịch ký quỹ) khá lớn với khoảng trên 110.000 tỷ cũng là lý do gây nên hiệu ứng chốt lời của các nhà đầu tư, tránh rủi ro và bị tổn thương do margin, khiến thị trường không còn đủ sức trợ lực.

Ngoài ra, thông tin “nhạy cảm” lần đầu trong ngày 5/7, cả nước có trên 1.000 ca nhiễm nên tâm lí của các nhà đầu tư cũng bị tác động không nhỏ. Đó là sự hoang mang về sức khỏe của các doanh nghiệp trong nước sẽ trụ được bao lâu khi tình hình diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn căng thẳng, cuộc sống của người dân sẽ trở lại bình thường đến thời điểm nào. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự dao động của TTCK, càng tăng lên áp lực bán cổ phiếu chốt lời trong ngày 6/7.

Về thông tin liệu nhà đầu tư có hoang mang khi thời gian tới, sẽ có ít nhất 7 tỷ cổ phiếu ngân hàng lên sàn, làm pha loãng cổ phiếu trên TTCK nên đây cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu ngân hàng trong cuối phiên ngày 6/7 hay không? Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, điều này không đủ cơ sở vì thanh khoản cổ phiếu ngân hàng trên thị trường vẫn đủ sức hấp thụ. Mấu chốt là lực đỡ của TTCK yếu nên không đủ sức vực dậy thị trường khi áp lực chốt lời vào cuối phiên. Tuy nhiên, đã đến lúc phải thận trọng vì thị trường đã khó kiếm lời hơn trong tháng 7.

Theo dự báo của ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Mirae Asset, sau những phiên đảo chiều ắt thị trường sẽ tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, bắt đầu từ các phiên tới tâm lý sẽ được giải tỏa, thanh khoản thị trường sẽ tăng. Điều này sẽ mang đến tăng trưởng ổn định cho thị trường không chỉ trong tháng 7 mà cho quý 3.

Trong khi đó, ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng Phân tích CTCK SBS nhận định, trong tháng 7 nếu thị trường đi lên thì chủ yếu là về mặt chỉ số, các mã cổ phiếu sẽ giảm, đồng thời thanh khoản giảm dần vì thị trường càng ngày càng khó lướt sóng, hiệu quả theo đó cũng ngày càng thấp. Ở vùng điểm hiện tại, định giá thị trường đang cao, các cổ phiếu VN30 vẫn tăng dần nhưng thị trường chung sẽ nhích dần xuống.

Ngoài ra, kết quả quý 2 sẽ tạo sự phân hóa ngày càng rõ rệt trên thị trường, các nhóm ngành khác sẽ khó duy trì tăng trưởng như các quý trước. Kỳ vọng lớn nhất là nhóm chứng khoán nhờ kết quả quý 2. Ngân hàng yếu dần do ảnh hưởng hạch toán lợi nhuận từ Thông tư 03 nên sẽ khó tăng như các quý trước. Đối với nhóm thép, có thể quý 2 vẫn sẽ tốt nhưng dự báo quý 3 sẽ thấp, giá thép đã bắt đầu giảm nên thị trường sẽ nhìn vào đấy và giá sẽ giảm dần.

Một rủi ro khác được đề cập là rủi ro margin. Ông Dương Hoàng Linh đánh giá, ngưỡng margin ở các CTCK đang rất cao. Như kỳ vọng sang tháng 7, hạn mức trên thị trường sẽ tăng do tăng vốn, tuy nhiên việc tăng vốn cũng khó có thể cải thiện tình hình vì thực chất là tiền trên thị trường không đổi. Thay vì chảy vào thị trường, tiền sẽ được dùng để mua cổ phiếu phát hành tăng vốn. Vì vậy, đã đến lúc nhà đầu tư nên giảm dần tỷ trọng. Đây là lúc nhà đầu tư duy trì chiến lược mua đỏ bán xanh để lấy lợi thế về giá và không nên mua đuổi.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.