Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bà giáo 76 tuổi và cuộc “dạo chơi” với sắc màu hội họa

Hồng Phúc - 12:19, 01/08/2021

Ngắm nhìn không gian nghệ thuật trong trẻo, nên thơ về con người, núi rừng Tây Bắc của bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu ̣̣(76 tuổi, nguyên giáo viên dạy Văn -Trường THCS Tân Thành, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), công chúng và cả giới hoạ sĩ đều bất ngờ ,bởi đó là những tác phẩm hội họa của một người chưa học qua trường lớp năng khiếu, nghệ thuật nào. Cần mẫn sáng tác ở độ tuổi xưa nay hiếm, bà lặng lẽ cầm cọ và bung toả tình yêu nghệ thuật với vẻ đẹp tự nhiên như một bông hoa rừng.

Bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu bên các bức tranh của mình
Bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu bên các bức tranh của mình

Cuộc gặp gỡ định mệnh 

Ngắm tranh của bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu, với những gam màu tươi sáng, hồn nhiên hiện lên, trái ngược với cuộc đời trắc trở, truân chuyên của người phụ nữ này. “Nguồn cơn” của những bức vẽ ấy, theo bà, xuất phát  từ tình yêu duy nhất của bà trong cuộc đời. Và rồi, miền ký ức ấy dần hiện qua từng bức tranh, từng màu sắc.

Đó là năm 1966, ở quê hương gang thép, khi đó, bà còn là cô nữ sinh 21 tuổi, tóc tết bím hai bên. Trong một lần đến nhà bạn ăn cơm, tình cờ gặp Đại Đội trưởng thuộc Trung đoàn Sông Lô. “Hôm sau, khi tôi đi mua gạo cho thầy giáo, lại gặp anh ở chợ. Anh mời tôi đi uống nước ở gốc cây đa, chỉ một cốc si rô và cái bánh quy mà tôi nhớ mãi. Rồi anh bỏ thư vào bao gạo ấy. Hồi ấy, tôi còn trẻ con, nhờ người chị dịch giúp, tôi mới biết rằng anh có ý với mình. Rồi chúng tôi hẹn nhau ở rừng thông trưa hôm sau. Có lẽ đó là lúc tình yêu bắt đầu, dù chúng tôi còn chưa chạm tay nhau”, bà Dậu hồi tưởng.

Sau đó, anh nhận lệnh lên đường đi B, vào Quảng Bình, bà Dậu chỉ nhận được lá thư tay của anh qua người anh trai, nội dung chỉ có một đoạn thông báo về tình hình chiến trường, đạn bom ác liệt, cùng một tấm ảnh nhỏ xíu mà bà đã nâng niu, gìn giữ nửa thế kỷ nay cho đến tận giờ.

Bà kể: "Rất lâu không có tin tức của anh. Cho đến một ngày vào năm 1969, tôi theo gia đình về huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) tránh bom. Lần ấy, thật bất ngờ, tôi gặp lại anh từ chiến trường ra ngoài Bắc an dưỡng, hết hạn, chuẩn bị vào tuyến trong. Anh nắm tay bảo tôi cho địa chỉ, nhưng lúc đó, chiến tranh loạn lạc, cả tôi và anh cũng di chuyển liên tục, thành ra hai chúng tôi lại bị mất liên lạc với nhau. 

Năm 1975, bà nghe tin Đại đội của ông đang tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và ông đã hy sinh."Tôi cũng không ngờ lần gặp lại, lần đầu chúng tôi nắm tay nhau, nhưng cũng chính là lần cuối gặp nhau", bà Dậu kể. Kể từ đó, tình yêu bà dành cho ông chính là mối tình đầu tiên, và duy nhất của bà Dậu. Sau mối tình đầu đó, , bà vẫn không yêu ai, sống một mình từ đó đến tận bây giờ.

Có lẽ vậy mà, 50 năm qua, dù âm dương cách biệt, nỗi nhớ về ông vẫn luôn chập chờn trong nhiều giấc ngủ. Bà nói, bà vẫn mơ thấy ông, ông kể cho bà nghe chuyện chiến đấu, kể về nỗi nhớ nhung chưa kịp tỏ bày, bà nói sáng nào bà cũng thắp hương, pha cà phê cho ông.

Và có lẽ đây chính là lý do, bà có được cảm hứng để sáng tác những bức tranh, với ký ức đẹp đẽ về đề tài tình yêu, tuổi thanh xuân; những tác phẩm về những cô giáo Tày, cô gái Dao, em bé, chàng trai Mông, về nét đẹp của đồng bào vùng cao... qua những nét vẽ của bà, tái hiện thật sống động.

Một bức tranh của bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu
Một bức tranh của bà giáo Nguyễn Ngọc Dậu

“Tôi chỉ lo mình già yếu, không có sức để vẽ”

Bà Dậu nguyên là giáo viên dạy Văn Trường THCS Tân Thành (TP. Thái Nguyên), nay đã về hưu, cuộc sống độc thân lúc tuổi già đã khó với đồng lương hưu còm cõi, giờ bà còn trông nom cậu em ruột, là họa sĩ Nguyễn Đê Thích bị liệt do tai nạn giao thông. Thế nhưng, không than vãn vất vả, bà vẫn điềm nhiên đối diện với cuộc sống còn nhiều gian nan, bằng một tình yêu nghệ thuật rất hồn nhiên.

Bà kể, bà đến với hội hoạ rất đơn giản, tự nhiên; anh trai và em trai của bà đều theo ngành nghệ thuật, nhưng cũng chưa từng triển lãm tranh. “Em tôi trước khi bị tai nạn để lại bức phác thảo dang dở. Tình cờ, tôi đã cầm bút vẽ tiếp”.

Và từ đó - năm 2017, bà bắt đầu mày mò vẽ tranh, bà tự học mặc cho nhiều người chê cười, ái ngại khi bắt đầu ở tuổi xế chiều. Dù chưa một lần học hành qua trường lớp, nhưng cầm cọ, pha màu vẽ như có một ma lực gì đó cuốn hút bà Dậu.

 “Nhớ lại gì là tôi vẽ. Tôi cứ vẽ đến khi mệt thì nghỉ, có lúc say sưa mà quên mất đã quá nửa đêm. Mặc cho ai nói gì thì nói,  tay tôi vẫn không thể ngừng vẽ được”, bà Dậu kể.

Dường như quên hết khó khăn, đắng đót của cuộc đời, bà cứ cặm cụi lặng lẽ sáng tác như thế. Trong 3 năm, hơn 100 bức tranh ra đời, khiến nhiều hoạ sĩ phải ngỡ ngàng về bố cục, màu sắc và sự chân thật, đẹp đẽ qua từng nét vẽ.

“Tôi khao khát có một triển lãm tranh của riêng mình. Và tôi đã làm được. Tôi đã liều lĩnh tự đầu tư 30 triệu đồng để tổ chức chức triển lãm tranh”.

Bà Dậu một mình lo kinh phí, thuê xe, chuyển tranh ra Triển lãm ở 16 Ngô Quyền. Triển lãm đã kết thúc trong tháng 5 và thành công ngoài mong đợi. Nó để lại những tiếng vang không nhỏ, về một hiện tượng kỳ lạ của hội hoạ Việt Nam, được tạo ra bởi một hoạ sĩ lạc vào cuộc chơi sắc màu một cách hồn nhiên nhưng đầy đam mê.

Những ký ức tươi đẹp ấy sống động hiện lên qua từng bức vẽ, khiến người xem trầm trồ, xao xuyến và bất ngờ. Ẩn hiện trong mỗi bức tranh là thiên nhiên, cuộc sống tươi đẹp, là và một tình yêu son sắt, thuỷ chung. Đặc biệt, người xem tranh không chỉ yêu mến không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, mà còn khâm phục, ấn tượng với bà, bởi niềm đam mê mãnh liệt của một người phụ nữ đã ở tuổi 76!.

“55 bức tranh trưng bày, bức nào cũng ngay ngắn, chững chạc, màu sắc tươi sáng, nhuần nhị. Trực cảm về màu của chị là thứ trời cho, học cũng chẳng được thế. Gần một nửa là những tranh thật sự xuất sắc, những bố cục, những mảng màu đẹp, ngọt ngào mà nhiều họa sĩ chuyên nghiệp mơ ước cũng khó mà làm được”, hoạ sỹ Lê Trí Dũng đã phải thốt lên như vậy khi xem tranh của bà.

 Hiện tại, bà vẫn đang miệt mài sáng tác với ấp ủ cho triển lãm sắp tới, sau khi dịch bệnh Covid -19 được đẩy lùi... 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.