Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bà Rịa- Vũng Tàu: Bưởi da xanh Sông Xoài với nỗi lo thất thu vụ Tết

Lê Vũ – Bảo Trần - 10:06, 03/01/2021

Xã Sông Xoài được xem là “thủ phủ” trồng bưởi da xanh của của thị xã Phú Mỹ cũng như của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, năm nay cả sản lượng và chất lượng bưởi da xanh của địa phương đều bị giảm mạnh. Bước vào đợt cao điểm chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều hộ trồng bưởi ở Sông Xoài không khỏi lo lắng trước nguy cơ thất thu.

Ông Trần Văn Hiệp đứng nhìn những cây bưởi ra trái sớm
Ông Trần Văn Hiệp đứng nhìn những cây bưởi ra trái sớm

Gần 20 năm trước, xã Sông Xoài chỉ có những vườn tạp. Sau thời gian dài người dân trồng thử nghiệm các loại cây, thì bưởi da xanh là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và cho thu nhập tốt hơn cả. Do đó, người dân đã cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng bưởi. Diện tích bưởi trên địa bàn nhanh chóng tăng lên, dần trở thành nơi trồng bưởi da xanh nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; toàn xã hiện có khoảng 200ha trồng bưởi da xanh.

Hiện nay, bưởi da xanh Sông Xoài đã có thương hiệu nên đã tạo dựng được thị trường riêng, được đưa vào nhóm cây ăn quả chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng và đang có tiềm năng phát triển ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Rất nhiều hộ nông dân tại đây đã thoát nghèo và làm giàu cũng nhờ bưởi da xanh.

Đặc biệt, Tết Nguyên đán, là dịp người trồng bưởi bán có lãi và thu về lợi nhuận rất cao so với các dịp thu hoạch khác trong năm. Tuy nhiên, năm nay, nhiều hộ trồng bưởi da xanh tại đây đều rơi vào cảnh thu hoạch bưởi Tết sớm, năng suất, sản lượng, giá bán đều có nguy cơ sụt giảm mạnh.

Ông Trần Văn Hiệp, ở tổ 2 ấp Phước Bình, xã Sông Xoài cho biết: “Năm nay,  do tình hình mưa dầm, ngoài ra còn nhện và bọ trĩ, nên sản lượng bưởi không đạt so với mọi năm. Mỗi năm 1 mẫu thu hoạch được khoảng 20 - 30 tấn, năm nay chắc tầm 10 - 15 tấn”.

Nói về giá thành sản phẩm, ông Hiệp cho biết thêm, nhiều vườn bưởi đang ra trái sớm, không neo được cho thị trường Tết. Hiện nay, bưởi đang bán với giá 18.000 – 20.000/1kg, nếu Tết mà may mắn được giá, thì sản lượng để cung cấp cũng không còn nhiều.

Ông Phạm Văn Ta, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, người có gần 20 năm kinh nghiệm trồng bưởi da xanh chia sẻ: Năm nay nhuận, thời tiết mưa nhiều, bưởi lại ra hoa sớm nên tình hình nhiều bà con khó neo trái được đến Tết. 

Nói về thị trường bưởi năm nay, ông cho biết thêm: “Do dịch Covid-19, bưởi không xuất khẩu được, hoặc xuất rất ít, nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Cũng với từng ấy chi phí nhưng sản lượng thu hoạch và giá thấp hơn mọi năm, nên khả năng nhiều bà con sẽ không có lãi hoặc thậm chí lỗ vốn vụ bưởi Tết".

Ông Phạm Văn Ta đi thăm vườn bưởi của gia đình
Ông Phạm Văn Ta đi thăm vườn bưởi của gia đình

Bưởi da xanh thì nhiều địa phương có, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, bưởi da xanh Sông Xoài có đặc trưng là ruột màu hồng, nhiều nước, giòn, vị ngọt hơn những nơi khác. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mặc dù diện tích trồng tăng lên, nhưng sản lượng và chất lượng bưởi da xanh của địa phương lại bị giảm sút đáng kể. 

Ngoại trừ nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì phải kể đến việc đa số bà con địa phương trồng bưởi vẫn theo quy trình chưa khoa học, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học đã ảnh hưởng tới chất lượng đất trồng. Theo thông tin từ Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài, nếu như vụ Tết Nguyên đán năm ngoái, sản lượng bưởi của toàn HTX đạt khoảng 500 tấn, năm nay ước tính chỉ đạt khoảng 300 tấn.

Để có hướng phát triển bền vững cho thương hiệu bưởi da xanh Sông Xoài, được biết thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, động viên bà con sản xuất theo hướng hữu cơ. Song song đó, còn hỗ trợ về kỹ thuật, một phần kinh phí để bà con chuyển đổi phương thức sản xuất.

Được biết thông thường khi mới chuyển đổi từ phương pháp truyền thống sang hướng hữu cơ, năng suất sẽ giảm, thời gian thu hoạch lâu hơn, hình thức cây trồng cũng sẽ xấu hơn. Tuy nhiên, lợi ích mà phương pháp hữu cơ mang lại sẽ cho ra những sản phẩm an toàn, ngon. Về lâu dài, sẽ từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, bảo về tài nguyên đất, giảm chi phí đầu tư.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.