Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Bà Rịa – Vũng Tàu: Quyết liệt ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng, dầu trên biển

Lê Vũ – Bảo Trần - 18:04, 13/05/2021

Thời gian gần đây, lợi dụng tình trạng giá mặt hàng xăng, dầu trong nước đang có chiều hướng tăng, nhiều đối tượng đã tìm mọi cách hoán cải tàu nhằm vận chuyển, buôn lậu xăng, dầu trên biển. Nhiều vụ việc đã bị lực lượng chức năng Bà Rịa – Vũng Tàu kịp thời ngăn chặn, xử lý, góp phần tránh thất thu ngân sách; giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải và môi trường biển.

Lực lượng Vùng CSB 3 bắt giữ tàu nước ngoài chở 1,7 triệu lít dầu vào vùng biển Việt Nam tiêu thụ (Ảnh: CSB 3 )
Lực lượng Vùng CSB 3 bắt giữ tàu nước ngoài chở 1,7 triệu lít dầu vào vùng biển Việt Nam tiêu thụ (Ảnh: CSB 3 )

Bắt giữ hàng triệu lít xăng dầu lậu

Bà Rịa – Vũng Tàu là cửa ngõ đường thủy của vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt, khu vực biển có lưu lượng tàu, thuyền qua lại rất lớn, là nơi các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng sang mạn, mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép. Thời gian qua, nhiều vụ việc đã bị lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý, góp phần tránh thất thu ngân sách; giữ gìn an ninh, an toàn hàng hải và môi trường biển.

Điển hình như ngày 8/4 vừa qua, trong lúc tuần tra tại vùng biển phía Đông huyện Côn Đảo, Biên đội I/21 - Hải đoàn 18, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện tàu cá TG 93998 TS, do ông Trần Văn Pho (trú tại xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng, có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, tàu cá TG 93998 TS chở khoảng 80 ngàn lít dầu D.O. Thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số dầu trên.

Trước đó, vào giữa tháng 3/2021, trong khi tuần tra trên vùng biển huyện Côn Đảo, lực lượng BĐBP tỉnh phát hiện tàu cá BT 99889 TS do ông Nguyễn Văn Trí (trú tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển khoảng 180 ngàn lít dầu D.O. Thuyền trưởng Trí cũng  không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu trên. Đồng thời, cho biết số dầu trên được ông Trí mua với giá thấp của các tàu dầu trên vùng biển giáp ranh mang về để sử dụng và bán lại cho các phương tiện khác nhằm kiếm lời.

Theo BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ gần 3 triệu lít dầu D.O không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc do các phương tiện vận chuyển trái phép trên biển. Hầu hết các vụ buôn lậu xăng dầu bị lực lượng BĐBP phát hiện, bắt giữ, là do ngư dân hành nghề đánh cá trên biển biến các tàu, hầm chứa cá, nước đá… thành khoang chứa xăng dầu. Xăng dầu nhập lậu chủ yếu được mua lại từ các tàu trên các vùng biển giáp ranh và vận chuyển về đất liền để bán.

Hải đoàn 18 Bộ đội Biên phòng kiểm tra dầu trên tàu TG 93998 TS ( Ảnh: BĐBP BR-VT).
Hải đoàn 18 Bộ đội Biên phòng kiểm tra dầu trên tàu TG 93998 TS ( Ảnh: BĐBP BR-VT).

Cùng với lực lượng BĐBP, thời gian qua, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 3, cũng đã phát hiện nhiều vụ tàu cá vận chuyển trái phép số lượng dầu D.O lớn. Đáng chú ý, không chỉ có tàu cá của ngư dân các tỉnh ven biển Việt Nam, mà nhiều tàu quốc tịch nước ngoài cũng tham gia vận chuyển, buôn lậu xăng dầu trái phép.

Điển hình như vừa qua, trong khi làm nhiệm vụ trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, lực lượng CSB 3 đã phát hiện, bắt giữ tàu Siam Varich, số IMO 753440, do ông Phirom Sukpheng, SN 1963, quốc tịch Thái Lan làm thuyền trưởng đang vận chuyển trái phép khoảng 1,7 triệu lít dầu D.O (theo lời khai của thuyền trưởng) không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Kiên quyết ngăn chặn

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Tiện, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), việc mua bán xăng dầu thường diễn ra tại khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam với các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan… cách rất xa bờ biển Việt Nam, khi bị phát hiện đối tượng nhanh chóng di chuyển ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Đáng chú ý, qua hoạt động kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều tàu buôn lậu với thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng thường sang chiết xăng, dầu vào các can nhựa, thùng phuy, rồi sử dụng tàu cá công suất lớn, tàu siêu tốc, thậm chí cả ghe, xuồng nhỏ chở vào khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để buôn lậu xăng dầu với các tàu trong nước. Sau đó, bán số xăng, dầu này ngay trên biển cho các tàu cá của ngư dân hoặc mang về đất liền tiêu thụ kiếm chênh lệch. 

Để qua mặt lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, các đối tượng sử dụng tàu không số hiệu, hoặc số hiệu giả để giao dịch, mua bán xăng, dầu; thuê phương tiện vận chuyển xăng, dầu trái phép hoặc sử dụng hóa đơn của một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đối phó các cơ quan chức năng. Nếu bị bắt giữ, các đối tượng thường “bỏ của chạy lấy người”, để hàng vô chủ. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng manh động còn trang bị cả súng, sẵn sàng chống trả nhằm tẩu tán tang vật khi bị kiểm tra, bắt giữ.

Thượng tá Trần Văn Khoái, Trưởng Phòng Pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng CSB3, cho biết, do giá xăng, dầu mua bán trái phép trên biển ước tính chỉ bằng 2/3 giá bán lẻ xăng, dầu trên đất liền nên các tàu cá thường chọn mua dầu D.O ngay ngoài biển để tiết kiệm chi phí và thời gian vào đất liền. Vì vậy, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho ngư dân hiểu rõ, hành vi mua bán xăng dầu trên biển là trái quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng liên quan cần đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, trong đó tập trung kiểm tra vùng biển từ phao số “0”, khu vực cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đồng thời phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin giữa CSB, BĐBP, hải quan nhằm nắm bắt tình hình buôn lậu trên biển để ngăn chặn, xử lý kịp thời.